Nỗi lo cháy nổ ở Hữu Bằng

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đất chật, nhà xưởng gắn với nhà ở của người dân, phoi bào, mùn cưa, dăm gỗ, sơn, dầu đánh bóng chỗ nào cũng sẵn, nhỡ ai sơ ý, là nhà xưởng thành nguồn cho "bà hỏa" gây họa. Đây đang là thực trạng đáng lo ngại ở xã nghề mộc Hữu Bằng.

Nhà dân nối khung thép vây kín, nếu hỏa hoạn xảy ra, phương tiện cơ giới khó lòng tiếp cận để chữa cháy. Ảnh: Trần Thụ
"Bà hỏa" rình rập
Là nơi sản xuất, kinh doanh đồ gỗ có tiếng ở Hà Nội, mật độ nhà cửa, xưởng sản xuất tại xã Hữu Bằng dày đặc; phương tiện lưu thông lớn nên vào giờ cao điểm, đường vào xã Hữu Bằng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Phan Văn Tuấn cho biết, trên địa bàn có 42 DN sản xuất, kinh doanh; số 4.300 hộ dân, đa số hộ đều sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Xưởng sản xuất nằm xen trong khu dân cư, ngõ ngách vô cùng chật chội nhưng chỗ nào cũng lèn đầy nguyên liệu, phế liệu từ sản xuất mộc. Cạnh đó là keo, dầu và các loại phụ liệu phục vụ việc làm bóng sản phẩm mộc. Đây chính là nguồn dẫn nhiệt, dẫn lửa gây cháy bất kỳ lúc nào. Và điều không may nói trên đã xảy ra vào ngày 3/11/2018. Thời điểm trên, tại xưởng mộc Hòa Ngân, trong lúc sửa chữa xưởng, do sơ ý thợ hàn đã để lửa bén vào tấm thảm dưới nền nhà. Trong phút chốc, lửa lan rộng thiêu rụi xưởng mộc Hòa Ngân và 2 hộ bên cạnh. Rất may là vụ hỏa hoạn đã không có thiệt hại về người, nhưng hàng trăm m2 nhà xưởng, nguyên liệu và đồ gỗ thành phẩm đã biến thành tro bụi, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Cần những giải pháp căn cơ

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Phan Văn Tuấn cho biết: Hàng năm, chính quyền thường xuyên kiểm tra và tập huấn cho người dân về PCCC, vì thế ý thức của người dân đã được nâng cao. Tại các thôn Sen, Miễu, Ban, Đông, người dân tự sắm, đầu tư trang thiết bị PCCC như máy bơm, vòi cứu hỏa, bể nước ngầm (trị giá tới 300 triệu đồng). “Vừa rồi khi xảy ra hỏa hoạn, người dân đã chủ động khống chế được ngọn lửa trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến ứng cứu”- ông Tuấn cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, lực lượng PCCC tại chỗ chỉ xử lý những vụ việc nhỏ lẻ và là giải pháp tình thế. Muốn giải quyết vấn đề tận gốc cần di dời các xưởng sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư ra cụm, khu công nghiệp. Bởi do đất chật người đông, đường làng, ngõ xóm chật hẹp - xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư nên phải quây tôn kín mít (để ngăn bụi). Nếu hỏa hoạn xảy ra, nguyên liệu tại các nhà xưởng sẽ khiến lửa lan rất nhanh và phương tiện cứu hỏa chuyên nghiệp cũng không thể tiếp cận được hiện trường do đường chật hẹp.

Hiện địa phương đã lập quy hoạch và đang chờ UBND TP phê duyệt cụm công nghiệp làng nghề rộng 30 ha. Nếu được phê duyệt, hạ tầng cụm công nghiệp sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác PCCC như đường nội bộ đủ rộng, lối thoát hiểm, trụ nước cứu hỏa, điện sản xuất đủ an toàn… Tuy nhiên đến nay, dự án cụm công nghiệp làng nghề của Hữu Bằng vẫn còn nằm trên giấy. Hàng chục doanh nghiệp, hàng trăm hộ sản xuất kinh doanh đồ mộc vẫn chen chúc trong khu dân cư hoặc “nhảy dù” xây dựng trên đất nông nghiệp – không theo quy hoạch và cũng không hề có quy chuẩn về PCCC.

Có khu sản xuất tập tập trung là nhu cầu chính đáng của người dân, DN sản xuất đồ gỗ ở Hữu Bằng. Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét, phê duyệt dự án để đảm bảo sản xuất được an toàn. Còn hiện nay, người dân vẫn phải sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện hết sức bất an. Nguy cơ cháy nổ vẫn lơ lửng trên đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần