Nỗi lo lãi suất phủ bóng thị trường, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 2 tháng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc trong ngày 9/12 khi nhà đầu tư tiếp tục lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất vì lạm phát vẫn đang ở mức cao.

Chỉ số Dow Jones giảm hơn 300 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 9/12. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones giảm hơn 300 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 9/12. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones sụt 305,02 điểm (tương đương 0,9%) xuống còn 33.476,46 điểm. Trong khi đó, S&P 500 giảm 0,73% về mức 3.934,38 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,7% và đóng cửa ở mức 11.004,62 điểm.

Tính chung trong tuần, Dow Jones mất 2,77%, ghi tuần giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 9. Chỉ số S&P 500 sụt 3,37%, trong khi Nasdaq giảm 3,99%.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên ngày 9/12 sau khi báo cáo chỉ số nhà sản xuất (PPI) cho thấy mức tăng cao hơn dự báo. PPI toàn phần trong tháng 11 tăng 0,3% so với tháng 10 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. PPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng vượt dự báo.

Nhà đầu tư lo ngại việc PPI tăng mạnh hơn dự báo có thể kéo theo khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng nhanh lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2022.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan khả quan hơn kỳ vọng giúp giải tỏa một phần nỗi lo của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế sắp được công bố sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần tới.

Trong đó, thông tin được quan tâm nhiều hơn cả sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Thị trường kỳ vọng số liệu này sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang.

Đặc biệt, giới đầu tư cũng hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư.

Giới đầu tư đang đặt cược gần như toàn bộ vào khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Mặc dù đây là một bước nhảy lãi suất khiêm tốn hơn bước nhảy 0,75 điểm phần trăm mà Fed đã áp dụng trong 4  đợt tăng liên tiếp vừa qua, thị trường đang lo lắng về việc liệu Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái.

Giám đốc đầu tư Stephanie Lang của Homrich Berg cho rằng giới đầu tư vốn từ lâu mong muốn Fed sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt, nhưng các dữ liệu kinh tế gần đây không thể hậu thuẫn kỳ vọng này.

Chuyên gia Lang nhận định với đài CNBC: “Kỳ vọng của chúng tôi là lạm phát phải thực sự giảm gần về mức mục tiêu thì Fed mới có thể tạm dừng tăng lãi suất được. Hiện chúng ta vẫn đang chứng kiến một khoảng cách khá lớn giữa các con số đó và Fed vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát”.

Theo ông Brian Moynihan - Giám đốc điều hành của ngân hàng Bank of America, việc kiểm soát lạm phát sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích.

“Fed có khả năng sẽ phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư. Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ thực sự được kiểm soát vào cuối năm 2023, hoặc phải kéo dài đến năm 2024” – chuyên gia Moynihan lưu ý thêm.

Đồng thời, các chuyên gia của Bank of America dự đoán rằng Fed khó có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ và sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao trong năm tới.