Nỗi lo ô nhiễm từ các chợ đầu mối

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng, quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường ở các khu vực này vẫn còn nhiều nan giải.

Chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: Việt Linh
Hệ thống thoát nước kém
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong tuần qua, tình trạng chung của các chợ đầu mối trên địa bàn TP là vệ sinh trong khu vực chợ còn nhiều hạn chế, hệ thống xử lý nước thải thiếu đồng bộ. Mặt khác, một số tiểu thương, người dân mua bán tại chợ vẫn chưa tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường.
Điển hình, chợ gia cầm Hà Vỹ là chợ có tính chất đầu mối nằm trên địa bàn xã Lê Lợi, huyện Thường Tín. Mỗi ngày có hàng trăm lượt tiểu thương thu gom, vận chuyển và buôn bán gia cầm ra vào chợ. Điều đáng lo ngại, hiện nay, môi trường khu vực chợ đầu mối Hà Vỹ đang bị ô nhiễm bùn đất nghiêm trọng, vì con đường chính dẫn vào chợ đang trong quá trình cải tạo, đất đá, bùn nước đọng khắp nơi, xe cộ ra vào liên tục. Cùng đó, vệ sinh trong khu vực chợ nhếch nhác, lông và chất thải của gia cầm vung vãi khắp nơi. Nhất là vào những ngày nắng nóng, không khí khu vực chợ nồng nặc mùi uế khí từ phân gia cầm, bùn đất… Một số khu vực vệ sinh, hệ thống thoát nước kém, nền chợ luôn trong tình trạng đọng nước, nhiều ki ốt thực hiện vệ sinh không thường xuyên, vẫn có hiện tượng mạng nhện và lông gia cầm bám trên trần và tường của các ki ốt.
Cần nâng cao vai trò của BQL chợ và phải có sự gắn kết với bộ phận quản lý môi trường địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để từng bước xây dựng, hoàn thiện lại các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình môi trường, trong đó ưu tiên về xử lý nước thải.
GS.TS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Tương tự, chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) là chợ đầu mối cung cấp cá cho các chợ nhỏ lẻ trong nội thành. Nhưng vấn đề vệ sinh môi trường cũng chưa được bảo đảm, việc chất thải tồn tại nhiều giờ ở các vị trí thu gom rác gây bốc mùi khó chịu vẫn diễn ra. Đặc biệt, nước thải, nước rửa cá được thải ra từ các gian hàng và xe thùng chở cá được xả trực tiếp ra mương nước cạnh chợ mà không được xử lý qua bể lắng lọc, khiến nước mương luôn trong tình trạng đen ngòm, bốc mùi hôi thối, khó chịu, gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Chị Hoàng Thị Lan, tiểu thương bán cá tại chợ Yên Sở cho biết: “Khi mổ cá theo yêu cầu của khách, tôi có dùng thớt, ni lông lót tránh để vẩy cá ra nền đường, còn rác của cá thì tôi thu gọn để vào vị trí gần đó sẽ có người đến thu gom, nhưng cũng không thể tránh được nước rửa tồn đọng trên nền chợ”.
Cốt yếu vẫn là ý thức
Tại các chợ đầu mối nông sản như chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên… hàng hóa được đưa về đây với số lượng lớn kéo theo lượng lớn rác thải. Khu chợ từ thời điểm bắt đầu hoạt động cho đến khi vãn khách, với đủ các loại rác, từ túi nilon, rơm, bao bì, lá rau, củ, quả hỏng cho đến nước rửa tôm cá, thịt… Mặc dù, công nhân vệ sinh thường xuyên đi thu gom nhưng tình trạng rác thải vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Lê Duy Gia cho biết, cơ sở hạ tầng tại chợ gia cầm Hà Vỹ đã xuống cấp, nhất là hệ thống thoát nước kém, trong khi đó ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của tiểu thương còn hạn chế; công nhân thu gom, xử lý rác tại chợ hàng ngày nhưng vì chợ hoạt động cả ngày lẫn đêm nên lượng rác thải rất lớn, khó tránh khỏi ô nhiễm. Hiện tại, lực lượng chức năng cũng chỉ nỗ lực tuyên truyền, nhắc nhở người dân, chứ cũng chưa có kinh phí để cải tạo đồng bộ chợ.
Trong khi đó, tại chợ Long Biên, mặc dù đã được xây dựng, cải tạo khang trang, hoạt động đi vào nề nếp quy củ hơn trước, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại, nhất là lượng bùn thải ở các cống thoát nước. Theo Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên (BQL) Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện nay, BQL chợ đang tiến hành cải tạo hệ thống thoát nước, sửa chữa, nạo vét, khơi thông đường cống rãnh, các hố ga… Việc tổng vệ sinh chợ được thực hiện 3 lần/ngày, mỗi tuần 2 lần phun khử khuẩn. “Sau khi cải tạo xong, chợ sẽ hoạt động theo quy củ, có quy định trách nhiệm đối với các hộ kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói và chia sẻ thêm, dù chế tài mạnh thế nào thì việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất.