Nỗi lo xe ngoại lấn sân

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cam kết khi tham gia Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (AFTA), thuế nhập khẩu (NK) ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm từ 40% xuống 30%, đưa giá xe giảm khoảng 7% so với năm 2016.

Điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu các DN sẽ chuyển từ sản xuất xe ô tô sang NK?

Giảm giá khủng nhưng sức tiêu thụ vẫn thấp

Sau khi thuế NK xe ô tô giảm theo cam kết AFTA, tất cả các hãng xe ô tô đều tuyên bố giảm giá bán. Ngay từ ngày 1/1, Honda đã ra thông báo giảm giá 80 triệu đồng cho mẫu Accord 2017 phiên bản 2.4L NK từ Thái Lan. Ngày 6/2, Toyota cũng ra thông báo giảm giá cho nhiều mẫu xe với mức giảm từ 44 - 164 triệu đồng/xe. Cụ thể, xe Yaris giảm từ 44 - 47 triệu đồng cho 2 phiên bản E và G; Land Cruiser giảm 70 triệu đồng, Prado giảm 164 triệu đồng. Cũng trong tháng 2, Công ty Trường Hải tuyên bố giảm giá từ 14 -140 triệu đồng cho các mẫu xe Mazda. Mitsubishi tạo nhiều ưu đãi dịp đầu năm cho hầu hết các mẫu xe với hình thức giảm giá bán từ 11 - 60 triệu đồng/xe, đồng thời khách hàng còn được tặng phụ kiện hoặc phiếu mua xăng giá trị từ 10 - 25 triệu đồng.

Giới thiệu xe nhập khẩu tại triển lãm Vietnam Motor Show 2016. Ảnh: Thu Hương

Mặc dù các DN kinh doanh xe ô tô NK đã giảm giá, thế nhưng sức tiêu thụ lại không tăng như mong muốn. Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố cho thấy, tổng doanh số bán ra trong tháng 1/2017 chỉ đạt 20.232 xe, giảm 39% so với tháng 12/2016. Nguyên nhân là do tháng 1 dương lịch trùng với Tết Nguyên đán Đinh Dậu nên nhiều người tiêu dùng không vội vã mua xe (bởi ít có khả năng kịp hoàn tất các thủ tục đăng ký xe). Đặc biệt, nhiều người dân chưa muốn mua xe trong năm 2017 mà đợi năm 2018, khi thuế NK giảm còn 0% theo cam kết; đồng thời, thuế tiêu thụ đặc biệt các mẫu xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống được giảm từ 40% xuống còn 35%.

Ồ ạt nhập khẩu ô tô xuất xứ ASEAN giá rẻ

Dù lượng xe tiêu thụ trong tháng 1/2017 giảm nhưng thực tế thị trường ô tô cho thấy các DN đang ồ ạt NK xe ô tô có xuất xứ ASEAN.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 1/2017, DN Việt Nam đã NK 7.300 xe ô tô, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, lượng xe ô tô giá rẻ do các nước ASEAN, Ấn Độ sản xuất chiếm hơn 70% tổng lượng xe nhập (trên 5.400 xe). Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng xe NK tăng nhưng giá trị nhập xe về Việt Nam chỉ tăng khoảng 5 triệu USD so với cùng kỳ (tương ứng 152 triệu USD và 147 triệu USD). Như vậy, giá xe nhập trong tháng 1/2017 đã giảm bình quân hơn 4.500 USD/xe so với năm 2016.

Tại triển lãm Vietnam Motor Show diễn ra cuối năm 2016 ở Hà Nội, đại diện một số hãng ô tô lớn cho biết, nếu không có những biến động khác về chính sách thuế, phí, theo lộ trình giảm thuế NK về 0% vào 2018, nhiều khả năng sẽ NK xe Thái Lan khi đó thay vì sản xuất. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất một chiếc xe tại Việt Nam cao hơn so với các nước ASEAN nên việc lắp ráp sẽ không hiệu quả bằng nhập nguyên chiếc.

Ý kiến của DN ngành sản xuất ô tô Việt Nam khiến nhiều người lo lắng: Liệu ngành sản xuất xe ô tô Việt Nam có trụ vững trước làn sóng NK hay không? Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thị trường ô tô Việt Nam sẽ không có nhiều biến động lớn, bởi thuế NK từ ASEAN giảm nhưng Bộ Tài chính đang xem xét nâng các khoản thuế khác để tránh bị thất thu từ ngành kinh doanh ô tô cũng như áp lực thu ngân sách. Nhưng tới năm 2018 khi thuế NK về mức 0% thì số xe NK chắc chắn sẽ tăng lên chóng mặt.

Theo các chuyên gia, Nhà nước cần xây dựng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các DN sản xuất ô tô tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong đó, tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Những chính sách hỗ trợ này cần ổn định, qua đó ngăn ngừa việc DN sản xuất ô tô sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam hoặc chuyển sang NK khiến ngành công nghiệp ô tô khó có thể cạnh tranh hàng ngoại nhập.