Song, những gì họ nhận được liệu đã trở thành động lực cơ bản giúp họ yên tâm cống hiến? Đây là câu hỏi không mới nhưng dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng…
Không dám xin tăng, nhưng... cũng đừng giảmTốt nghiệp ĐH được tuyển vào UBND thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm), công chức chuyên môn LĐTB&XH Ngô Thị Yến Hoa đang nuôi con mới 1 tuổi nhưng ngày nào cũng 8 giờ đến cơ quan, làm việc đến 12 giờ lại về nhà cách gần 10km để cho con bú, 13 giờ 30 phút lại có mặt tại cơ quan, rồi sau 18 giờ, thậm chí gần 20 giờ mới xong việc. Chị phải đảm nhiệm vô số việc thường xuyên, đột xuất, nhưng mỗi tháng nhận được vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng, gồm lương công chức, công tác phí, thu nhập thêm từ việc trả lương người có công. “Nếu chỉ trông chờ vậy, tôi không thể đủ trang trải, may có hỗ trợ từ “ông xã” làm “bên ngoài” - chị Hoa tâm sự. Thâm niên cao hơn chút, công chức Văn phòng thống kê bộ phận một cửa (BPMC) phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Giang được hưởng hệ số lương 3,0, phụ cấp hệ số 0,6 mức lương tối thiểu (theo quy định cho công chức BPMC) và tiền thêm giờ, mỗi tháng tối đa cũng chỉ 5 triệu đồng. Không chỉ công chức, cả cán bộ xã, phường có thể nói cũng khó đảm bảo cuộc sống nếu không có nguồn thu nhập khác, gia đình hỗ trợ.
|
Công chức bộ phận một cửa thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Linh Chi |
Thu nhập hạn hẹp, thiếu người làm, nhất là địa bàn đông dân, nhiều dự án..., mỗi CBCC phải kiêm rất nhiều việc. Song, khi được hỏi có cần thêm biên chế, hầu hết CBCC tỏ ra e ngại, chỉ cho biết vẫn xác định luôn cố gắng, vì chủ trương chung là tinh giản biên chế. Dù vậy, nhiều ý kiến đề xuất, “Nhà nước giảm người ở đâu thì giảm, chứ đừng giảm ở cấp xã”. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) Bùi Thế Gia, xã loại I quy mô 1,3 vạn dân trở lên, song Hoài Đức có xã như An Khánh 2,9 vạn dân, có những xã loại II trên 1,2 vạn dân... Riêng Trạm Trôi sắp hoàn thành mấy khu đô thị mới, sẽ thêm vài nghìn dân. “Hầu hết xã đang mong thêm người giải quyết công việc, nên phương án giảm CBCC cấp xã hiện không khả thi”, ông Gia thẳng thắn. Tương tự, Vĩnh Tuy gần 4,5 vạn dân, là phường loại I, song thực tế gấp 2 - 3 lần nhiều phường khác về dân số, diện tích. Được giao 25 CBCC nhưng với khối công việc lớn gấp đôi phường khác, thực sự họ khó “kham” nổi, nhất là phường đang GPMB hàng trăm hộ dân dự án Vành đai II.
Phường muốn hỗ trợ cũng... lo kiểm toánTrăn trở về chế độ chính sách làm sao bù đắp những vất vả của CBCC, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân chia sẻ: Ngoài lương, chút tiền làm thêm giờ và hệ số 0,6 lương cơ bản (với công chức BPMC), mọi CBCC phường đều không có phụ cấp ăn trưa, điện thoại, dù thường xuyên phải đi địa bàn. Phường, quận đã nhiều lần kiến nghị cơ chế đặc thù cho những địa bàn rộng, đông dân, nhưng đều được trả lời “theo quy định chung rồi”. “Đã là khó khăn chung, thực hiện khoán chi, dù chúng tôi có muốn hỗ trợ CBCC cũng không được, vì nếu chi sai, khi kiểm toán yêu cầu xuất toán thì mình thành vi phạm” - bà Vân nói.
Không thể thêm người, lại theo khoán chi thường xuyên hàng năm, các CBCC xã, phường vẫn xác định phải cố gắng để đảm bảo việc chung, vừa đảm bảo chỉ tiêu pháp lệnh. Song, dù rất nỗ lực, một CBCC xã cũng chỉ nhận 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, khó trang trải cuộc sống. Trong khi, như Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) Lâm Văn Thảo nói: "Nhiều phường với không ít lĩnh vực chỉ có một CBCC chuyên trách, dù “cong lưng” làm ngày đêm cũng chưa chắc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Vì vậy, TP cần tạo cơ chế đặc thù cho CBCC, trong đó cần thêm chế độ động viên CBCC xã, phường". Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng (Đan Phượng) Nguyễn Huy Hoàn, trong xã toàn người quen nên không phải cứ “ốp” quy định là “trôi” việc, mà luôn phải kết hợp với thuyết phục, sẵn sàng lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng người dân.
Không nên cứng nhắc với những lĩnh vực đặc thùVới hơn 2,3 vạn dân, trong đó 75% làm nghề nông, cùng gần 3 vạn sinh viên Học viện Nông nghiệp, địa bàn lại đang đô thị hóa mạnh mẽ, nên thị trấn Trâu Quỳ hiện rất đông đúc, phức tạp. Trong khi đó, dù được định biên 25 CBCC nhưng thị trấn mới được giao 23 CBCC, đồng thời đang phải làm đề án giảm cán bộ bán chuyên trách: Chủ tịch Hội Người cao tuổi do Phó ban MTTQ kiêm nhiệm, Chủ tịch Hội CCB do Phó ban chỉ huy quân sự kiêm... “Phải “căng” thời gian giải quyết TTHC, đi địa bàn…, CBCC rất thiếu thời gian nghiên cứu văn bản liên tục mới, nên phải tranh thủ mang về nhà, nhưng phụ cấp thêm giờ không đáng kể. Anh em chỉ biết xác định đang giai đoạn “quá độ” cải cách hành chính nên có những vấn đề chưa đồng bộ”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Quốc Trịnh cho biết và đề nghị: Mức phụ cấp cho CBCC cấp xã, nhất là đãi ngộ cho cán bộ bán chuyên trách cần được quan tâm hơn. Số cán bộ giảm, mỗi người nhiều việc hơn, nếu họ không được đảm bảo lương, bảo hiểm xã hội… thì khi thị trấn tổ chức hoạt động đoàn thể cũng rất khó huy động người có năng lực. Đặc biệt, nếu tăng cho thị trấn đủ định biên thì cần bổ sung ngay cho BPMC. Bởi, không như nội thành có nhiều công dân biết tự thực hiện DVCTT nên CBCC dành được nhiều thời gian cho chuyên môn, tại BPMC thị trấn, 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch phải thường xuyên hướng dẫn công dân. Trong khi, nếu huy động thanh niên, không phải lúc nào họ cũng ở đó để giải quyết ngay theo nhu cầu của công dân.
“Giai đoạn quá độ, với các lĩnh vực đặc thù, nếu cứ cứng nhắc thì khó giải quyết công việc. Riêng tại BPMC những địa bàn đang quá tải công việc, rất cần bố trí thêm chứ không nên cứ quy định tối đa 5 CBCC. Nếu chúng tôi chủ động thêm lao động hợp đồng, họ cũng không được tiếp nhận hồ sơ mà chỉ hỗ trợ, trong khi ô tiếp nhận đang rất cần người, nhưng phải là công chức để đảm bảo danh chính ngôn thuận, trách nhiệm với thủ tục hành chính đang giải quyết” - ông Trịnh nhấn mạnh.
Đồng thời, nhiều công chức BPMC xã cho hay, từ khi có DVCTT, họ phải thêm rất nhiều việc, nên mong sao phụ cấp được cải thiện một chút, bởi một người phải kiêm nhiều việc thì cần được bồi dưỡng thêm ở những mảng đó.