Nồng cay mứt gừng Mỹ Chánh

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng Chạp, làng mứt gừng Mỹ Chánh (thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) tất bất cho những mẻ mứt gừng mới. Khói bếp, mùi của gừng, của ngọt ngào quyện vào nhau vương vấn qua nẻo đường làng báo hiệu một mùa Xuân đang về.

Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh tất bật vào vụ Tết.

Khi gió mùa kéo về, mưa phùn chấp chới qua ngõ, những gian bếp làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh lại đỏ lửa cho vụ mứt mới. Người già trong thôn không nhớ nghề làm mứt gừng truyền thống bắt đầu từ khi nào nhưng cũng đã truyền tay qua bao nhiêu thế hệ nơi đây.

Gừng vốn là loại gia vị quen thuộc trong nấu ăn của người Việt. Có lẽ, để chống chọi với cái lạnh của mùa Đông, của những buổi ngâm chân xuống đồng khi gió mùa về, người dân vùng đồng chiêm này đã sử dụng gừng để chống chọi với cái lạnh. Bên bờ ruộng, nhâm nhi bát nước chè xanh với lát mứt gừng được gói trong lớp giấy khiến gương mặt cô thôn nữ ửng hồng hơn.

Việc làm sạch, thái lát đều được giao cho đàn ông trong làng.
Việc làm sạch, thái lát đều được giao cho đàn ông trong làng.

Vừa ngồi thái từng lát mứt gừng bên hông cửa nhà, ông Võ Văn Hóa (thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) cho biết: Dù cách làm mứt gừng không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ để có một lát mứt ngọt, thơm, cay nồng nhưng không quá gắt.

“Có lẽ, nhờ sự khéo léo, chăm chút trong từng miếng mứt gừng của những phụ nữ nơi vùng đất này mà khiến làng nghề ngày càng nức tiếng gần xa. Nó vừa cay nhưng mà lẫn ngọt ngào như phụ nữ vùng đất này” - ông Hóa cười tủm tỉm.

Mỗi vụ mứt Tết, hai vợ chồng ông Hóa đưa ra thị trường khoảng 3 tấn mứt gừng.
Mỗi vụ mứt Tết, hai vợ chồng ông Hóa đưa ra thị trường khoảng 3 tấn mứt gừng.

Bên trong căn nhà của vợ chồng ông, bếp lửa đỏ từ 20 tháng 11 âm lịch đến giờ vẫn chưa nghỉ ngày nào. Những mẻ mứt gừng nhanh chóng lần lượt ra lò thơm lừng bên gian bếp ấm cúng. Vợ chồng ông phải thuê thêm người đóng gói để kịp gửi những kiện hàng vào Nam, ra Bắc. Mỗi dịp Tết về, dù chỉ 2 vợ chồng làm nhưng gia đình ông cũng kịp cung ứng gần 3 tấn mứt gừng ra thị trường.

Vào thời điểm trước, bếp lửa của 30 hộ ở thôn Mỹ Chánh đỏ lửa ngày đêm làm mứt. Tuy nhiên, giờ này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nhưng những người làm mứt gừng Mỹ Chánh đã chuyển sang quy mô hơn, có cơ sở sản xuất gần 1 tấn mứt gừng/ngày.

Từ sản xuất thô sơ, nhiều công đoạn đã sử dụng máy móc và quan trọng hơn cả việc chọn lựa nguyên liệu, sản xuất mứt sạch (không ngâm tẩm chất tẩy trắng), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thực hiện.

Nghề làm mứt gừng truyền thống đã tạo nên nguồn thu nhập khá cho các cơ sở sản xuất, góp phần giải quyết lao động lúc nông nhà cho địa phương.
Nghề làm mứt gừng truyền thống đã tạo nên nguồn thu nhập khá cho các cơ sở sản xuất, góp phần giải quyết lao động lúc nông nhà cho địa phương.

Nơi cơ sở sản xuất mứt gừng của anh Trần Viết Dũng (thôn Mỹ Chánh), mùi thơm của gừng đã tỏa ra không lẫn vào đâu được là hơn 10 bếp than đang đỏ rực. Những người phụ nữ tất bật làm luôn tay từ công đoạn luộc gừng, rim mứt, đóng gói.

“Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên sức mua cũng có giảm. Dù vậy, dự kiến năm nay, cơ sở của mình xuất ra thị trường khoảng 12 - 13 tấn mứt gừng. Như năm ngoái mình xuất 15 tấn mứt đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình và 30 lao động ở trong thôn”, anh Dũng cho biết.

Với vị thơm, cay nồng và màu sắc tự nhiên đã tạo nên thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh.
Với vị thơm, cay nồng và màu sắc tự nhiên đã tạo nên thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh.

Từ lớp vỏ bên ngoài gừng đã nóng và tận những thớ bên trong vừa cay và có chút vị đắng, chát nếu không xử lý khéo. Công việc xử lý lớp vỏ bên ngoài, thái lát gần như giao cho những người đàn ông, bởi cái cay nóng của gừng dễ phỏng rộp tay.

Gừng để chọn làm mứt cũng không được quá già hay quá non. Bởi gừng già sẽ có xơ, vị đắng chát nhiều hơn mà non quá khi rim mứt sẽ khó và không đạt độ cay, thơm nhất định.

Việc canh lửa, đảo mứt đều giao cho những phụ nữ trong làng bởi đây là yếu tố quyết định mẻ mứt ngon, thơm đậm đà.
Việc canh lửa, đảo mứt đều giao cho những phụ nữ trong làng bởi đây là yếu tố quyết định mẻ mứt ngon, thơm đậm đà.

Sau khi xử lý những bước khác nhau, việc cho ra những mẻ mứt gừng đều được giao cho những phụ nữ. Bởi, lúc này đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay khi đảo mứt, ánh mắt nhanh nhạy khi canh lửa, tinh tế khi mẻ mứt hoàn thiện. Kể cả khi đóng gói, những lát gừng cũng được những người phụ nữ xếp cẩn thận tránh để mứt bị gãy, mủn trong quá trình vận chuyển.

Mỗi vụ mứt, làng mứt gừng Mỹ Chánh xuất ra thị trường hàng chục tấn đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho bà con nơi đây.
Mỗi vụ mứt, làng mứt gừng Mỹ Chánh xuất ra thị trường hàng chục tấn đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho bà con nơi đây.

Theo ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, hiện nay toàn thôn còn 7 hộ làm nghề mứt gừng. Dù vụ làm mứt chỉ kéo dài khoảng 1 tháng nhưng đem lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ gia đình và người lao động trong thôn. Như cơ sở bà Võ Thị Tâm với cả trăm lao động mỗi ngày, trung bình mỗi vụ làm mứt xuất ra thị trường khoảng 30 tấn mứt gừng.

Thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh đã được công nhận và đưa đi phục vụ cho người dân khắp cả nước mỗi độ Tết đến, xuân về.
Thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh đã được công nhận và đưa đi phục vụ cho người dân khắp cả nước mỗi độ Tết đến, xuân về.

Vụ mứt gừng Tết năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sản xuất khoảng 60 tấn ra thị trường, ước tổng thu nhập đạt khoảng 3 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhà với 180.000 - 300.000 đồng/ ngày.

“Mứt gừng Mỹ Chánh thơm, cay nồng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên được nhiều tiêu dùng ưa chuộng. Để giữ vững thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh đã được công nhận, người dân ở thôn Mỹ Chánh luôn sản xuất nguồn hàng đạt chất lượng. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà mứt gừng Mỹ Chánh còn được xuất đến các tỉnh, thành phố trong cả nước”, ông Sinh tự hào.