Nông dân “bắt tay” doanh nghiệp tiêu thụ nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/11, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội thảo "Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị".

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu là hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã (HTX) đã cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp để tiêu thụ nông sản bền vững. Cụ thể, nông dân, HTX muốn tiêu thụ nông sản ổn định thì nhất thiết phải “bắt tay” với DN. Ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nông dân cần lưu ý đến kênh bếp ăn tập thể như trường học, khu công nghiệp nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ, góp phần nâng giá trị cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 Quang cảnh hội thảo

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho hay, hiện nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị của TP rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 10%. Đáng nói, một phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với các tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Thậm chí, nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông sản an toàn vẫn bí đầu ra trong thời gian qua.

Do đó, hội thảo cũng là dịp để các hộ nông dân, HTX trên địa bàn Thạch Thất trực tiếp trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa sản phẩm, nông sản vào các kênh tiêu thụ với các nhà chuyên gia, nhà quản lý. Đặc biệt là có cơ hội kết nối trực tiếp với các DN có nhu cầu thu mua nông sản trên địa bàn TP.

Thạch Thất là một trong những huyện tiêu biểu của TP về phát triển nông nghiệp giá trị kinh tế cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 5 mô hình nông nghiệp sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

 Các doanh nghiệp trao đổi với các hộ sản xuất bên lề hội thảo

Điển hình như: Mô hình nuôi lợn rừng với 1.000 lợn nái sinh sản kết hợp nuôi giun trùn quế và trồng rau hữu cơ, rau bản địa tại xã Yên Bình và Yên Trung cho thu nhập từ 3 – 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 100 lao động với mức lương bình quân 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi với quy mô 1.000 m2 tại xã Đại Đồng cho lợi nhuận 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 6 – 10 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng hoa Lyly, quy mô 12ha tại xã Đại Đồng cho thu nhập 800 triệu đồng – 1,1 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm cho 50 lao động với mức lương 6 – 12 triệu đồng/người/tháng…

Bên cạnh đó, Thạch Thất chú trọng phát triển chăn nuôi theo quy hoạch với 179 trang trại, gồm 57 trang trại nuôi lợn, 34 trang trại nuôi gia cầm, 13 mô hình nuôi trâu bò, 40 mô hình nuôi dê, 35 mô hình nuôi lợn rừng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 121 mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đến nay, huyện đã xây dựng thành công 4 nhãn hiệu tập thể cho 4 sản phẩm, gồm: Chè kho Đại Đồng, bánh chè lam Thạch Xá, cơ kim khí Phùng Xá và mộc Chàng Sơn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần