Nông nghiệp Hà Nội: Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo và đời sống nông thôn của Hà Nội đã có nhiều đổi thay tích cực. Các mô hình kinh tế tăng trưởng đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp Thủ đô.

Lựa chọn bước đột phá đúng đắn 
Nhằm từng bước khắc phục hạn chế về tổ chức sản xuất, Hà Nội đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn TP đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.455ha (đạt 104,6% so với kế hoạch).
Nếu như trước đây, mỗi hộ gia đình trung bình có từ 10 - 15 ô, thửa, thậm chí 27 - 39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ... thì đến nay, chủ yếu chỉ còn 1 - 2 ô, thửa. Điều này tạo thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu...
 Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Phạm Hùng
Cùng với dồn điền đổi thửa, giai đoạn 2016 - 2020, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng được TP xác định là khâu cốt yếu nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng cộng nghệ cao, tiến tới xây dựng và nhân rộng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể hóa chủ trương trên, ngày 1/9/2016, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau dồn điền, đổi thửa, với số lượng khoảng 618.000 giấy (đạt gần 99,3%).
Sau dồn điền, đổi thửa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cũng đã được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng. Cơ giới hóa được các địa phương đầu tư, áp dụng ngày một phổ biến và rộng rãi, nhất là ở một số khâu chính như làm đất, gieo cấy và thu hoạch nông sản.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Từ thành công của chủ trương dồn điền, đổi thửa, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo hướng chuyên canh, tập trung, gia tăng giá trị nông sản, hàng hóa; đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn TP đã chuyển đổi được trên 40.228ha đất lúa truyền thống sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chuyển đổi sang canh tác lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (15.678ha), tiếp đến là cây ăn quả (7.391ha), rau an toàn (2.933ha… Một số huyện có diện tích chuyển đổi lớn như: Sóc Sơn (8.335ha), Ứng Hòa (6.853 ha), Ba Vì (5.242ha)…
Sau chuyển đổi, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung cho giá trị gia tăng cao đã được hình thành. Trong đó có các điển hình: Mô hình lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… cho thu nhập tăng thêm so với canh tác lúa truyền thống khoảng 25 - 30%; vùng sản xuất rau an toàn ở Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai…cho giá trị từ 0,5 - 1 tỷ/ha/năm...
Nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật thủ, nhãn chín muộn, cam canh, bưởi tôm vàng… Các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai… cho giá trị từ 1 - 2 tỷ/ha/năm. Vùng nuôi trồng thủy sản tại Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... cho giá trị từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm...
Đáng chú ý, đến nay, toàn TP có 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp 15 - 30%, đặc biệt là phù hợp với thực tế của Hà Nội và từng bước khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
TP cũng đã xây dựng và duy trì hiệu quả 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời phát triển được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị 
Giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục giữ vị trí, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị. Nhiệm vụ đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực.
Đối với mục tiêu trên, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, yêu cầu trọng tâm, xuyên suốt là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, phát huy tốt vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.
Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với liên kết giá trị nông sản, hàng hoá. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ nhằm chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế nông thôn.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn; thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường; đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, gắn với nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý cần giải quyết tốt bài toán việc làm cho người nông dân; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, nhằm tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

"Trong quá trình phát triển nông nghiệp, Hà Nội đã có những cách làm riêng, sáng tạo. Ở đó, việc lựa chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá được xem là hướng đi hết sức đúng đắn của TP. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, tôi đề nghị TP tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm có thế mạnh, đặc sản vùng miền theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.