Nông nghiệp hữu cơ hướng tới thị trường đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sóc Sơn là một trong những địa phương đi đầu TP Hà Nội về phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cả trong trồng trọt lẫn chăn nuôi.

Định hướng táo bạo của những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương này là tập trung vào thị trường đô thị - nơi có nhu cầu về nguồn thực phẩm sạch rất lớn.

Cung không đủ cầu

Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là vùng rau hữu cơ (RHC) đầu tiên của Hà Nội được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) từ năm 2008. Với 30 hội viên tham gia thí điểm trên diện tích 2.000m2 tại thôn Bái Thượng, mô hình đã nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao và thể hiện được ưu điểm vượt trội về chất lượng, bình quân thu nhập đạt 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, diện tích sản xuất RHC tăng dần qua các năm. Đến nay, toàn xã Thanh Xuân đã có trên 400 hội viên nông dân được tập huấn, cấp chứng chỉ sản xuất RHC và diện tích vùng rau mở rộng lên tới 19ha với các nhóm tiêu biểu như Bái Thượng, Ánh Dương, chợ Nga… Bà Hoàng Thị Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho biết, sản lượng RHC của xã cung cấp ra thị trường mỗi ngày hiện khoảng trên 1 tấn, giá trung bình 20.000 – 22.000 đồng/kg. Trước khi được bán ra thị trường, rau được đóng gói, dán tem nhãn có mã số từng hộ, nhóm hộ sản xuất nên đảm bảo người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc. Nhờ đó, dù diện tích RHC hiện nay tăng lên nhưng sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường. “Có ngày, đơn đặt hàng trực tiếp của người tiêu dùng và các công ty phân phối là 4,3 tấn nhưng chúng tôi chỉ cung cấp được 1,7 tấn” – bà Hậu chia sẻ.

 
Sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Ngoài RHC, vài năm trở lại đây, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ cũng phát triển tại huyện Sóc Sơn. Tiêu biểu là trang trại Bảo Châu Farm của ông Nguyễn Đại Thắng, xã Minh Phú. Đây là trang trại được Nhật Bản công nhận có sản phẩm đạt tiêu chuẩn Oganic (sản phẩm hữu cơ) được sản xuất – chăn nuôi – giết mổ - tiêu thụ khép kín. Trang trại tự sản xuất thức ăn và nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học. Hiện nay, trang trại cung cấp ra thị trường sản lượng trung bình khoảng 55 tấn thịt hữu cơ/năm với giá khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg.

Nguồn thực phẩm an toàn

Với lợi thế là chất lượng sản phẩm được đảm bảo an toàn tuyệt đối nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, dù giá cao song các mặt hàng rau, thịt hữu cơ vẫn được người tiêu dùng đô thị rất ưa chuộng. Hiện nay, đầu ra của RHC Thanh Xuân chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Nội. Còn thịt lợn hữu cơ của Bảo Châu Farm ngoài các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội còn được đưa vào tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Ngô Xuân Trường – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân, định hướng của xã là tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cung ứng cho thị trường đô thị. Dự kiến trong khoảng tháng 2 – 3/2015, xã sẽ mở rộng thêm diện tích RHC khoảng 10ha. Điều đáng ghi nhận là chính quyền địa phương không chạy theo lợi nhuận, phát triển ồ ạt diện tích RHC mà tập trung nâng cao chất lượng. Mới đây, xã Thanh Xuân đã đưa ra biện pháp “mạnh tay” để bảo vệ thương hiệu vùng sản xuất. Theo đó, nếu sản phẩm bị phát hiện “có vấn đề” về chất lượng phải tiến hành lấy 3 mẫu tại ruộng, cửa hàng và tại nhà người tiêu dùng đi xét nghiệm. Trong thời gian chờ kết quả (thường là một tuần), toàn bộ rau trồng tại ruộng đó không được phép bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Hoản – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là từ sản xuất đến chế biến không sử dụng thuốc hóa học nên rất an toàn với người sử dụng. Bởi vậy, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản hữu cơ cũng là một trong những nhiệm vụ mà Trung tâm đang triển khai nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
 
Người tiêu dùng Thủ đô có thể mua sản phẩm rau hữu cơ của xã Thanh Xuân qua 3 kênh là: Đăng ký trên website rauthanhxuan.com, mua trực tiếp hoặc mua qua cửa hàng phân phối.