Nông sản Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều loại nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa thu hoạch nhưng việc thu mua bị tạm dừng hoặc rất chậm trễ, một lượng lớn nông sản tại các tỉnh này đang ách tắc, nông dân đang gặp khó khăn kép…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng cho biết, hiện nay do tình hình dịch Covid-19 nên một số chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động, việc vận chuyển hàng hóa hạn chế, DN giảm thu mua hoặc có thu mua nhưng số lượng ít, thiếu lao động…, tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Nhiều hộ nuôi cá tra đang phải "ngâm cá", cho ăn dè dặt để chờ đợi. Ảnh: Giang Lam 
Đối với lúa Hè Thu, tập trung thu hoạch trong giữa tháng 8, tháng 9 chiếm 80% sản lượng. Vì vậy, khó khăn cho việc bố trí máy móc và nhân công thu hoạch. Sản lượng lúa vụ này cũng tương đối lớn (trên 800.000 tấn), trong khi theo thống kê hàng năm khoảng 80% trong số này được các thương lái ngoài tỉnh thu mua. Hiện sản lượng lúa cần tiêu thụ của tỉnh Sóc Trăng khoảng 615.000 tấn lúa.
Còn cây ăn trái, chủ yếu cần tiêu thụ đối với nhãn (nhãn xuồng khoảng 1.600 tấn; thanh nhãn khoảng 1.750 tấn; nhãn Idor khoảng 3.800 tấn; nhãn da bò thu hoạch từ 7/2021 đến tháng 3/2022 khoảng 13.000 tấn…).
Tại Bến Tre, đến thời điểm này các loại cây ăn trái có sản lượng lớn đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch như nhãn khoảng 660 tấn; chôm chôm khoảng 300 tấn; sầu riêng 50 tấn; bưởi da xanh khoảng 1.200 tấn...
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, các loại trái cây, rau màu được thương lái tiêu thụ, tuy nhiên vẫn còn chậm và giá thấp. Sở NN&PTNT và các tổ chức chính trị xã hội đã hỗ trợ liên kết tiêu thụ nên cũng đã giải quyết bớt lượng nông sản nhưng chưa nhiều.
Đối với các loại cây ăn trái, do rải vụ và có thể kéo dài thời gian thu hoạch người dân hạn chế thu hoạch, hoặc không thu hoạch (do hạn chế người mua, khó thuê nhân công thu hoạch, giá cả thấp) nên sản lượng tiêu thụ chưa cao.
Đối với cá tra, hiện nay các DN chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra khó khăn trong xuất khẩu do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong những ngày qua lượng cá nguyên liệu các DN thu gom để chế biến rất ít.
Các thương lái thu mua hàng nông sản tại địa phương đã ngưng hoặc thu mua hạn chế do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có hướng dẫn về việc lưu thông vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, các thương lái thu mua nông sản gặp khó khăn trong việc vận chuyển và đi qua các địa bàn khác nhau để thu mua sản phẩm.
Người dân thu hoạch sản phẩm bán từ hòa vốn đến lỗ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh do giá bán giảm. Trong khi đó các vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc hóa chất, con giống đều tăng…
Tình cảnh tại Kiên Giang cũng tương tự, việc thu mua rất chậm do có ít thương lái, một số huyện như Châu Thành, Gò Quao… lúa gần tới ngày thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến xem ruộng chốt giá, đặt cọc… Một số loại thủy sản cũng tới kỳ thu hoạch thu hoạch nhưng chưa có thương lái thu mua như tôm càng xanh, cá bớp, sò huyết, cua biển…
Doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp khó khăn do Covid-19. Ảnh: G.Lam 
Cần bộ ngành Trung ương vào cuộc

Sở NN&PTNT Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn thống nhất về giao thông đường thủy, đường bộ cũng như yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với những đối tượng phục vụ việc thu mua, vận chuyển nông sản ở cả ĐBSCL.
Bộ NN&PTNT có chính sách hỗ trợ khuyến khích tái sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi và thủy sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giới thiệu DN đến mua nông sản của tỉnh...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nên lũy kế xuất khẩu (XK) thủy sản 7 tháng đầu năm vẫn tăng 11% khi đạt 4,88 tỷ USD.
Tuy nhiên, với thực tế khó khăn hiện nay, XK thủy sản nửa cuối năm chắc chắn sẽ tụt dốc nếu không có giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, XK và trực tiếp thúc đẩy sinh kế cho công nhân, nông - ngư dân trong bối cảnh sống chung với Covid-19.
VASEP cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, báo cáo các khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy chế biến thủy sản tại ĐBSCL. VASEP kiến nghị, trước mắt là tiêm vaccine cho những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp - thực hiện sản xuất cho XK nói chung và thủy sản nói riêng), đặc biệt ưu tiên cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng “3 tại chỗ”.
VASEP cũng kiến nghị khẩn Thủ tướng có chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các DN và các hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ. Có các chính sách ưu tiên như: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% cho các DN. Hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn…