NS Trinh Hương: Không có chuyện dừng khai thác tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn phản ánh các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phú Quang ít xuất hiện ở các chương trình nghệ thuật vì khó nhận được sự chấp thuận khai thác tác phẩm từ gia đình nhạc sĩ Phú Quang. Nghệ sĩ Trinh Hương – con gái cả của nhạc sĩ Phú Quang nói gì?

Trước câu hỏi về việc rằng phía gia đình tạm dừng việc khai thác các tác phẩm của cố nhạc sĩ Phú Quang?, nghệ sĩ piano Trinh Hương cho biết: “Trước khi bố tôi mất thì có làm Di chúc ghi lại di nguyện, sau đó giao cho tôi. Nội dung di chúc đã được Luật sư Lê Huy Quang công bố và Công ty luật Hợp danh The Light là đơn vị đang lưu giữ di chúc này. Theo di chúc thì toàn bộ các bản quyền âm nhạc mang tên Nguyễn Phú Quang sẽ giao cho các con và tôi được toàn quyền quản lý, định đoạt và điều hành.

Nghệ sĩ piano Trinh Hương chia sẻ về những thắc mắc liên quan đến khai thác tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang.
Nghệ sĩ piano Trinh Hương chia sẻ về những thắc mắc liên quan đến khai thác tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang.

Bản thân tôi và các em tôi luôn mong muốn thực hiện theo đúng di huấn của bố, mong muốn việc gia đình được giải quyết nhanh chóng và dứt điểm để tôi có thể toàn tâm toàn ý xây dựng quỹ theo di nguyện của bố, cũng những có thể lưu giữ và phát triển di sản của bổ đến rộng rãi hơn với khán giả.

Tuy nhiên đến nay, sự việc đang bị kéo dài, chưa thể giải quyết dứt điểm được do gặp trở ngại từ người thân trong gia đình. Nhưng không phải vì thế mà tôi và các em tôi sẽ dừng khai thác các tác phẩm của bố”.

Tại cuộc họp giới thiệu chương trình “Hà Nội - Mùa chuyển” - đêm nhạc Phú Quang & Đỗ Bảo” diễn ra vào 21 – 22/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, nghệ sĩ piano Trinh Hương cho biết thêm: Gia đình không hề có “hàng rào kỹ thuật” với các tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang. Tác phẩm cùa ông có thể vang lên trong chương trình sang trọng, nghệ sĩ lớn trình bày nhưng cũng có thể được thể hiện ở phòng trà ấm cúng. Điều quan trọng là đơn vị tổ chức phải thông báo với các con để được biết, chứ không được phép sử dụng tùy tiện, không thông báo.

Ê kíp sản xuất chương trình "Hà Nội - Mùa chuyển"
Ê kíp sản xuất chương trình "Hà Nội - Mùa chuyển"

“Hà Nội – Mùa chuyển” sẽ là đêm nhạc hòa quyện giữa các tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang và nhạc sĩ Đỗ Bảo. Chương trình diễn ra vào 20h ngày 21 và 22/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được thực hiện bởi Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với IB Group Việt Nam và Maine Coon Productions. Với sự tham gia của các giọng ca Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh và Hà Trần. Tổng đạo diễn: Phạm Hoàng Nam; Giám đốc âm nhạc: Đỗ Bảo; Giám đốc mỹ thuật: Lê Thiết Cương; Giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Cố vấn âm nhạc: Nguyễn Thụy Kha; Cố vấn nội dung: Trinh Hương; Chủ nhiệm chương trình: Chu Anh Hùng.

Với vai trò giám đốc âm nhạc chương trình “'Hà Nội mùa chuyển” nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ anh có chút áp lực bởi khi xây dựng phần âm nhạc đan xen của 2 tác giả thuộc 2 thế hệ, cần có bước chuyển khéo léo. 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ những áp lực khi thực hiện biên tập âm nhạc của "Hà Nội - Mùa chuyển"
Nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ những áp lực khi thực hiện biên tập âm nhạc của "Hà Nội - Mùa chuyển"

Tâm sự tại buổi họp báo, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết: “Tôi chủ trương giữ tâm thế một giám đốc âm nhạc trong chương trình nhiều hơn là tâm thế một tác giả, tôi phải gắng nhìn nhận cả hai tác giả là độc lập và không sa đà vào phân định tuổi tác và thế hệ. Tôi cần xây dựng một chương trình hài hòa có thể đan xen xuyên suốt hai tính cách âm nhạc, cả những tương đồng và khác biệt, để chương trình liền mạch và hy vọng nó đủ hấp dẫn với cả hai nhóm khán giả của chương trình”.

Đảm nhiệm vai trò thiết Giám đốc mỹ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Trang trí sân khấu gần đây có xu hướng quay về câu chuyện nghệ thuật và mỹ cảm chứ không lạm dụng kỹ xảo công nghệ. Lần này tôi cũng theo hướng đó. Phong cách của tôi không thay đổi, làm gì cũng vẫn phải tối giản. 

Sân khấu sẽ được trang trí bằng một sắp đặt có tính trừu tượng về sự nhấp nhô của những ngôi nhà trong phố cổ Hà Nội, gợi thôi chứ không có cổng, cửa, đầu hồi. Tôi sử dụng thủ pháp điêu khắc bằng ánh sáng để tạo chiều sâu cho sân khấu. Ở tiền sảnh Nhà hát Lớn, tôi sẽ làm cổng Hà Nội mùa chuyển. Tên 20 bài hát trong chương trình sẽ được trổ lên mái và hai bên cổng được và khi dùng đèn chiếu từ trên xuống sẽ in lên người nào qua cổng”.