Nụ cười của mẹ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, chị và mọi người trong gia đình tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới cho bố mẹ. Lễ kỷ niệm thật vui, chị ấn tượng nhất là nụ cười của mẹ, nó lấp lánh niềm tự hào và hạnh phúc.

Trong lễ kỷ niệm, “chàng” 85 tuổi, “nàng” mới… 80. Do chàng đã có phong thái còn chậm chạp nên nàng thường kè kè bên cạnh để nâng đỡ. Do vậy, khi chị và con cháu dàn cảnh cho ông bà lên xe hơi mui trần thì cho bà ngồi ghế cầm lái. Ông bước lên xe sau khi bà ngồi sau tay lái đã sẵn sàng.

Mọi việc là sắp đặt theo kịch bản, nhưng có điều bất ngờ là khi vừa lên xe, ông cúi đầu và… hôn vào má bà một cái.

Khi đó, chị cảm thấy xao xuyến trong lòng. Chị cũng bắt gặp ánh mắt thật hạnh phúc của mẹ. Chị cũng biết rằng, tình cảm giữa bố và mẹ như là một dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn cho chị em nhà chị. Để từ đó, mỗi gia đình riêng lại có được không khí thuận hòa.

Bố chị gặp mẹ chị ở Trường Đại học Y khoa, khi cả hai là sinh viên; bố năm thứ 4, mẹ năm thứ nhất. Chuyện hai người gặp gỡ nhau như thế nào, họ không kể lại cho các con. Chị chỉ biết, ngay sau mẹ chị tốt nghiệp đại học, bố chị xin gia đình người yêu cưới mẹ chị, lúc đó vẫn đang là sinh viên, rồi xung phong vào chiến trường miền Nam ngay, chỉ vài tháng sau ngày cưới. Ông làm việc ở bệnh viện dã chiến.

Những ngày tháng chiến tranh ác liệt, ông và bà chỉ trao đổi nhau qua thư từ, có khi mất nhiều tháng mới đến tay nhau. Ông vui nhất là khi bà báo tin có thai, rồi sau đó là có con gái đầu lòng. Đứa bé đó chính là chị. Hồi đó, ở khu tập thể ai cũng khen “đứa bé xinh đẹp, giống mẹ nhưng cặp mắt rất giống bố” - mẹ chị kể lại như vậy.

Mẹ chị cũng đi làm ở bệnh viện, một mình vất vả nuôi con. Mẹ chị lúc nào nhớ bố là đưa thư của bố ra đọc và “ngắm con gái cho đỡ nhớ bố của nó”.

Ngày 30/4/1975, chiến tranh vừa chấm dứt, miền Nam hoàn toàn giải phóng, bố chị mang ba lô từ chiến trường ra Hà Nội về với vợ con, họ hàng…
Ngày đoàn tụ ngắn chẳng tày gang, chỉ 6 tháng sau, bố chị lại mang cái ba lô cũ kỹ sang Liên Xô (cũ) tu nghiệp tại một trường Y ở Moscow.

Ông vốn là sinh viên xuất sắc lẽ ra được giữ lại trường để giảng dạy nhưng lại xung phong vào chiến trường. Do đó, sau giải phóng ông được Nhà nước cử đi nước ngoài tu nghiệp ngay về chuyên môn phẫu thuật lồng ngực - mạch máu.

Lại những ngày chia xa, ông và bà liên lạc nhau qua thư từ. Chỉ khác, lúc này, bà không còn những đêm lo lắng đến mất ngủ, lòng ruột nóng ran với những mơ hồ linh tính. Trong bà chỉ còn lại là những sự tự hào về chồng, nhất là khi biết những ca phẫu thuật khó mà ông đã thực hiện thành công, những bài báo đăng ở tập san quốc tế có giá trị lớn…

Cũng trong thời gian ở Liên Xô, chỉ sau mấy tháng, ông nhận được tin vui từ bà: có thêm con trai thứ. Rồi ông về nước với bằng tiến sĩ hạng xuất sắc.
Một hôm, ông nói với bà, lần này anh lại đi nữa, nhưng không đi một mình. Bộ cử anh vào Nam để làm nòng cốt cho một bệnh viện lớn. Anh đã trình bày hoàn cảnh và xin đưa vợ con đi theo, họ đã đồng ý.

Bà như sinh ra để ủng hộ chồng mình trong công việc. Hơn nữa, cùng ở với nhau rất hợp ý bà. Thế là cả nhà theo tàu xuôi vào Nam.

Những tháng năm đầu vào đất mới, gia đình khó khăn, bà tuy bận rộn công việc ở bệnh viện, ở nhà nhưng vẫn luôn lo chu đáo cho chồng về ăn uống, nghỉ ngơi. Ông là phẫu thuật viên chính của bệnh viện lớn nên phải mổ những ca cực kỳ khó, bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ cao, đôi bàn tay cực kỳ khéo léo và thành thạo.

Những năm tháng miệt mài với công việc của một bác sĩ với những ca đại phẫu đã lấy hết thời gian của ông. Tuy nhiên, bà chưa hề có một lời phàn nàn về ông. Trái lại, bà luôn là chỗ dựa cho ông, người giỏi về chuyên môn nhưng có phần ngơ ngác trong cuộc sống…

Cứ như vậy, họ có hơn 50 năm là vợ chồng của nhau, thành biểu tượng đẹp cho con cháu.