Nước cờ cao tay của Thủ tướng Anh

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố đề nghị tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 8/6 tới vừa được Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra đã được Quốc hội nước này thông qua với tỷ lệ áp đảo 522 phiếu thuận, 13 phiếu chống.

Với kết quả này, nước Anh sẽ chính thức bước vào cuộc tổng tuyển cử sớm trong 7 tuần tới. Bên cạnh quan điểm ủng hộ quyết định được cho là khôn ngoan của bà May, nhiều ý kiến băn khoăn về thời điểm thích hợp bầu cử, nhất là khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán “ly hôn” lịch sử đầy cam go.

 Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra vào ngày 8/6 tới.

Phản ứng trước việc Anh quyết định tiến hành bỏ phiếu sớm, châu Âu tuyên bố các cuộc đàm phán thực sự sẽ chỉ diễn ra sau khi nước Anh bầu cử xong. Về nguyên tắc thì tiến trình đàm phán nhiều khả năng không có thay đổi, thời hạn hai năm là quy định trong điều 50 Hiệp ước Lisbon và khi các bên nhất trí thì sẽ có thể kéo dài. Khó khăn nhất dự kiến vẫn là các cuộc thương lượng về tương lai quan hệ thương mại giữa Anh và EU; thậm chí có thể kéo dài đến 5 năm hoặc hơn, nếu hai bên không đạt được sự nhất trí.

Quyết định của bà May được cho là khá bất ngờ, bởi đã có tới 5 lần trước đó, nữ Thủ tướng Anh bác bỏ giả thuyết tiến hành bầu cử sớm, với lý do muốn giữ ổn định cho đất nước. Đây có thể được coi là “nước cờ” bất ngờ, song “cao tay” của người kế thừa danh hiệu “bà đầm thép” nước Anh, do đảng Bảo thủ của bà May đang chiếm ưu thế tại hầu hết các cuộc thăm dò. Theo kết quả thăm dò được trang YouGov mới công bố cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ là 44%, áp đảo so với 21% dành cho Công đảng đối lập, nên nếu tổ chức bầu cử, đảng cầm quyền sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn đối thủ.

Bên cạnh đó, lý do thật sự đằng sau việc đột ngột thay đổi quan điểm, là bởi, bà May đã thấy được sự thật về nền kinh tế Anh và cho rằng chúng không mang lại một viễn cảnh tốt cho tương lai của bà. Tới năm 2020, nếu bà May để cho Quốc hội khóa này tiếp tục hoạt động, bà sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn vì khi đó những tác động từ Brexit sẽ thể hiện rõ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại....

Nhiều khả năng kết quả bỏ phiếu sẽ có trước khi quan chức Anh - EU bước vào vòng đàm phán then chốt về Brexit và một chiến thắng áp đảo cho đảng Bảo thủ sẽ là sự bảo đảm vững chắc cho tiếng nói của bà May trong các cuộc "mặc cả" với giới chức EU. Tuy nhiên, giống như cuộc trưng cầu về Brexit, cử tri Xứ sở sương mù cũng đang phân vân và hoàn toàn không có chung một câu trả lời cho vấn đề này.

Bên cạnh những người ủng hộ, vẫn có cử tri cho rằng, trong thời điểm rối ren do Brexit gây ra, việc tổ chức một cuộc bầu cử không phải là một ý tưởng hay cho nước Anh, nhất là trong một năm trở lại đây, kết quả kiểm phiếu đã không ít lần tạo ra bất ngờ. Có thể thấy, người dân Anh thấy khá mệt mỏi khi sắp đối mặt với một cuộc bầu cử mới lần thứ 3 chỉ trong vòng 3 năm: Bầu cử lập pháp năm 2015, trưng cầu ý dân năm 2016 và sắp tới lại là bầu cử lập pháp 8/6.