Nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3: Chờ hầm chui mở lối thoát

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 hiện là một trong những điểm đen UTGT trầm trọng nhất của Hà Nội.

Tại đây đã có một dự án làm hầm chui được đề xuất từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện do thiếu vốn.

Chênh lệch năng lực thông hành

Từ lâu, trục Tố Hữu - Lê Văn Lương đã trở thành một trong những tuyến đường chính, kết nối các quận: Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm và Thanh Xuân với khu vực trung tâm TP. Hiện nay, mật độ giao thông trên tuyến đường này vào loại cao nhất của Hà Nội và trong giờ cao điểm thường xuyên xảy ra UTGT. Anh Nguyễn Thanh Tùng (Hà Đông) cho biết: “Mỗi buổi sáng đi làm, với quãng đường từ Hà Đông đến Giảng Võ, tôi phải mất từ 50 - 70 phút”.

Nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh: Công Hùng

Thực trạng này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Một là, lượng người và phương tiện đi lại trên tuyến quá đông. Hai là, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân quá kém. Ba là, do chênh lệch khả năng giải tỏa áp lực giữa nút giao này với 2 nút giao kế cận đã được xây dựng hầm chui. Sau khi 2 hầm chui Trung Hòa và Khuất Duy Tiến được đưa vào sử dụng, luồng phương tiện từ hướng Nguyễn Xiển và Phạm Hùng đã có điều kiện lưu thông tốt hơn. Nhưng TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) nhận định: “Ở giữa 2 nút giao khác mức, có hầm chui với năng lực thông hành lớn, nút Lê Văn Lương vẫn là giao đồng mức, dẫn đến xung đột các luồng lưu thông, UTGT trầm trọng”. Thực tế đó đòi hỏi phải có giải pháp để mở thêm hướng lưu thông, đồng bộ khả năng giải tỏa áp lực giao thông của nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 với nút giao kế cận.

Công trình cấp bách

Năm 2008, dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã từng được Bộ GTVT tính toán thực hiện bằng nguồn vốn dư trong gói vay ODA đầu tư cho tuyến Vành đai 3. Tuy nhiên, Đại diện Vụ KH&ĐT, Bộ GTVT cho biết, do chậm triển khai, hết thời hiệu Hiệp định vay vốn ODA nên dự án hầm chui đã phải gác lại. Năm 2016, hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3 cũng đã được đưa vào danh mục 8 dự án giao thông cấp bách của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao thầu để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, thời điểm đó, dự án vẫn được xác định sẽ do Bộ GTVT thực hiện đầu tư. Đến nay, do không bố trí được nguồn vốn, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Hà Nội đầu tư, xây dựng hầm chui qua dự án bằng nguồn vốn của TP; Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất nội dung này.

Dự án hầm chui qua nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến đã được Hà Nội đưa vào danh mục 52 công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Theo ước tính, sẽ cần khoảng từ 500 - 600 tỷ đồng đầu tư cho dự án. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, TP có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư - PPP, loại hợp đồng BT. TS Thạch Minh Quân nhận định, đây là một trong những công trình cấp thiết nhất hiện nay của Hà Nội, do đó lãnh đạo TP cần sớm có quyết sách để đầu tư thực hiện và mong rằng những ưu tiên về cơ chế cho dự án vẫn sẽ được Chính phủ giữ nguyên.