“Nút thắt” nào cần tháo gỡ cho kinh tế Đà Nẵng?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là TP động lực miền Trung nhưng trong 3 năm (2016 - 2018), tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng chưa có bước đột phá và có xu hướng chững lại. Vậy đâu là những “nút thắt” cần tháo gỡ để kinh tế Đà Nẵng phát triển tương xứng với tầm vóc của mình?

Đà Nẵng cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư mạnh mẽ

Sẽ tụt hậu nếu không có những động lực phát triển mới 
Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Đà Nẵng, 3 năm qua kinh tế thành phố duy trì tốc độ tăng khá với GRDP ước tăng bình quân 7,88%/năm; hiệu quả đầu tư dần được cải thiện, hệ số ICOR năm 2018 đạt 4,3, thấp hơn năm 2017 là 4,8 và thấp hơn hệ số ICOR của cả nước (năm 2017 là 4,93). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa có bước đột phá và có xu hướng chững lại, quy mô kinh tế còn nhỏ, tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,6% so với cả nước.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện Đà Nẵng vẫn chưa hoàn chỉnh về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Cho nên dự án nào, nếu không đầu tư vào trong khu công nghiệp mà đầu tư ở ngoài thì cũng đều bị “dính” hết!... Cho nên rất ảnh hưởng tới thủ tục và sự minh bạch trong vấn đề đầu tư!”.
Đáng nói, tuy dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng khoảng cách so với các địa phương trong vùng không lớn nên vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Đà Nẵng chưa đạt được như kỳ vọng. Kinh tế Đà Nẵng có khả năng tụt hậu nếu không có những động lực phát triển mới.
Ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên do xuất phát điểm của TP thấp, quy mô kinh tế, dân số nhỏ, thường xuyên bị thiên tai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; cơ chế chính sách của Trung ương để hỗ trợ thành phố chưa đủ mạnh...
Nguyên nhân chủ quan là do tăng trưởng nóng về các lĩnh vực đô thị, dịch vụ du lịch khu vực ven biển, mở rộng quy mô một số dự án sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài, trong khi công tác quy hoạch và dự báo trong quy hoạch, kể cả quy hoạch kinh tế- xã hội (KT-XH) và quy hoạch đô thị chưa đầy đủ, đồng bộ, tầm nhìn còn ngắn hạn, không theo kịp yêu cầu phát triển; chậm xử lý các vấn đề phát sinh trong tiếp cận đất đai, quản lý đô thị, cấp phép đầu tư, môi trường…
Ông Sơn cũng đề cập đến việc thực hiện Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong quản lý về đất đai. Bên cạnh đó, tiến độ các dự án hạ tầng các khu công nghiệp, dự án hạ tầng trọng điểm, động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH chậm... dẫn đến tác động lan tỏa từ hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp, thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và làm phát sinh các vấn đề về đô thị, môi trường.
Ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng
Tháo “nút thắt” quy hoạch và thủ tục hành chính
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khiến kinh tế Đà Nẵng chững lại, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Phước Sơn cho biết, song song với triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung, Sở đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng trình HĐND thông qua Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hiện đang trình Bộ TN&MT cho ý kiến đối với điều chỉnh đánh giá tác động môi trường chiến lược trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Trong năm 2019, Sở sẽ tham mưu triển khai lập, trình phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch và lập Quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch sau khi Thủ tướng và Bộ KH&ĐT ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
“Trên nền các quy hoạch này sẽ tích hợp các quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng KT-XH, đô thị… một cách đồng bộ, bài bản, có phân khu rõ ràng, làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư có hiệu quả. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH TP như: Dự án Cảng Liên Chiêu, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 28 triệu hành khách/năm đến năm 2030…”, ông Trần Phước Sơn chia sẻ.
Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thay cho Nghị quyết 33. Vì thế, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng TP cần chủ động làm việc với Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính ngân sách và phân cấp quản lý nhà nước đối với Đà Nẵng thay cho Nghị định 144 hiện đã lạc hậu so với yêu cầu phát triển của TP.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi nhanh và mạnh mô hình tăng trưởng trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực hiện tốt vai trò là trung tâm kinh tế của miền Trung.
Một nút thắt quan trọng khác mà Đà Nẵng cần tháo gỡ là cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư. “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Công khai các quy trình, thủ tục, đẩy nhanh áp dụng giải quyết thủ tục hành chính cho DN, nhà đầu tư qua mạng điện tử. Sớm triển khai xây dựng đề án thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông trong đầu tư” theo chủ trương của Thành ủy, hoàn thành trong quý I/2019. Theo đó, nhà đầu tư chỉ liên hệ, làm việc với 1 cơ quan đầu mối của thành phố từ khâu tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục pháp lý cho đến khi triển khai thực hiện dự án”, ông Trần Phước Sơn bày tỏ ý kiến.
Song song với đó, theo ông Trần Phước Sơn, Đà Nẵng cần rà soát bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành theo hướng khuyến khích và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, gắn với phát triển kinh tế biển, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin gắn với xây dựng nền kinh tế số; xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao trở thành Khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ cao đẳng cấp quốc tế theo mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hình thành bởi các cụm ngành công nghiệp công nghệ cao dẫn dắt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.