Ô nhiễm không khí vì bụi xây dựng

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng nay, chỉ số chất lượng không khí - AQI trên địa bàn Hà Nội luôn ở mức báo động với phần lớn là màu cam và đỏ. Nguyên nhân được nhận định là do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, phương tiện giao thông gia tăng.

Song có ý kiến cho rằng, với sự tăng tốc của các công trình xây dựng dịp cuối năm, bụi từ công trình và từ hàng trăm xe tải chở vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường cũng khiến cho chất lượng không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm nặng.
Diễn biến khó lường
Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, chỉ số AQI đo được tại 10 điểm trong TP không ổn định và có diễn biến khó lường. Ví như chỉ số AQI ngày 25/11 được cải thiện hơn so với ngày 24/11 nhưng ngày 26/11 chỉ số lại tăng lên, đa phần ở mức kém, một số khu vực xuất hiện chỉ số xấu như Minh Khai, Hàng Đậu.
 Ô nhiễm không khí tại Hà Nội phần nhiều do ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng. Ảnh: Công Hùng
Nguyên nhân khiến Hà Nội những ngày qua liên tục đứng đầu trong nhóm 10.000 TP trên thế giới ô nhiễm không khí nhất, theo các chuyên gia là do khói bụi, khí thải từ các phương tiện ô tô, xe máy và thói quen đốt rơm, rạ, bếp than theo mùa khô của nhiều người dân. Cùng đó, do thời tiết giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt cũng làm cho khí thải, khói bụi không thể phát tán hay bay hơi mà bị giữ lại ở bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí.
Tuy nhiên, TS Phùng Chí Sỹ - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí tại Hà Nội không phải cục bộ và mang tính nhất thời do ảnh hưởng của thời tiết hay các sự cố.
Chủ yếu ô nhiễm vẫn do các nguồn phát thải nội tại chưa được kiểm soát như giao thông là nguồn phát thải chính, chiếm khoảng từ 55 - 60%. Đứng thứ hai là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, xây dựng... chiếm từ 25 - 30%, còn lại 5% nguồn phát thải đến từ các hoạt động dân sinh.
Đường phố thường xuyên hứng bụi
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội như Phạm Hùng, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Trãi, Quốc lộ 32, Phạm Ngọc Thạch và các tuyến đường vành đai đang có nhiều công trình xây dựng thi công nên đường phố thường xuyên hứng chịu bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, đời sống người dân khu vực.
Trên tuyến đường Phạm Hùng và Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm), theo quan sát, hiện có hàng chục công trình xây dựng đang thi công. Vì vậy, khu vực này luôn có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng, chất thải ra - vào các công trình. Trong đó có không ít xe tải che chắn sơ sài, đất cát rơi vãi bừa bãi khiến mặt đường nhiều chỗ như được phủ lớp thảm bằng bụi.
Ngay đợt kiểm tra xe chở vật liệu xây dựng quá tải, để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường, trong tối và đêm 26 rạng sáng 27/11 vừa qua của lực lượng chức năng TP Hà Nội, ghi nhận tuyến đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy là cung đường di chuyển chính của hầu hết các phương tiện vi phạm quá tải, không che chắn.
Những phương tiện vi phạm bị Đội Cảnh sát giao thông số 6 yêu cầu kiểm tra khá nhiều. Đa số những phương tiện này đều chở vật liệu xây dựng từ các bến, bãi ở ngoài khu vực đê sông Hồng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, đi theo đường 70, rẽ vào đường Phạm Hùng và tỏa đi các công trình xây dựng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, bụi từ công trình xây dựng, từ xe chở vật liệu rơi vãi cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí. Trong đó, các công trình xây dựng hạ tầng thường gây tiếng ồn và vương vãi đất, bụi bẩn; các công trình xây dựng tòa nhà, chung cư thì thiếu rào che chắn, vật liệu tập kết không đúng nơi quy định, chưa bố trí điểm rửa xe trước khi ra - vào công trình hoặc có nhưng chưa bảo đảm...
“Khi biết các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý thì cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ tìm cách đối phó. Không có lực lượng chức năng thì vi phạm lại đâu hoàn đấy. Do đó, cần phải tăng chế tài xử phạt thật nặng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với lĩnh vực này” – ông Mai Trọng Thái nhận định.

"PM2.5 là những hạt bụi nhỏ, li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn so với sợi tóc con người tới 30 lần). PM2.5 hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nito và nhiều hợp chất kim loại nguy hiểm khác lơ lửng trong không khí có khả năng len lỏi sâu vào trong phổi, đi trực tiếp vào máu, các phế nang gây độc cho cơ thể con người. Đây là nguyên nhân của phần lớn các bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn hay ung thư. " - BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng – Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi T.Ư

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần