Ô nhiễm làng nghề Hà Nội: Hơn 35% nước thải không được xử lý

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đây là thông tin được Sở TN&MT Hà Nội đưa ra khi nói về tình trạng ô nhiễm nước thải của các khu vực làng nghề trên địa bàn TP.

Chia sẻ tại Hội nghị Thông tin báo chí của Thành uỷ Hà Nội diễn ra chiều nay (19/9), ông Lê Tuấn Định Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết TP đang có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Khu vực này đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất trong đó hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn TP.
Tuy nhiên, theo các số liệu quan trắc không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi vượt 1,4-6,7 lần giới hạn; các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn; nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao. Môi trường nước thải đã điều tra khảo sát có COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần, Coliform vượt hơn một trăm lần. Nước ngầm ở các khu vực này cùng chịu tác động từ ô nhiễm nước thải, ở mức khá nghiêm trọng.
 Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội (Ảnh: Hà Thanh)
Mặc dù hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, tuy nhiên tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với nước thải khoảng 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.
Để từng bước giải quyết hiện trạng trên, ngày 11/9 vừa qua, Sở TN&MT đã gửi tới các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã (nơi có làng nghề) kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP phê duyệt.
Ông Lê Tuấn Định cho biết, trong giai đoạn 2017 – 2020, TP sẽ tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách vê bảo vệ môi trường làng nghề. Đi kèm với đó là đánh giá, phân loại làng nghề cũng như nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xã hội hóa và mô hình quản trị cơ sở xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Riêng trong quãng thời gian kể từ năm 2018, TP sẽ tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 3 loại hình làng nghề gồm: chế biến lương thực, thực phẩm; nhuộm, thuộc da; chăn nuôi, giết mổ gia súc.
Bên cạnh đó là triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động (phần cứng, phần mềm điều khiển) để kiểm soát ô nhiễm cũng như kiểm tra giám sát hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP. Ngoài ra, trong giai đoạn này việc xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rác thải, chất thải, tại các làng nghề để vận chuyển tới các điểm xử lý trên địa bàn cũng sẽ được tiến hành.
Còn trong giai đoạn 2017 – 2020, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như triển khai mạng lưới hệ thống quan trắc tự động, việc xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho các loại hình làng nghề khác sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Về định hướng 2020 – 2030, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Tiếp tục triển khai mạng lưới quan trắc tự động, xây dựng quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề. Bên cạnh đó công tác cải tạo phục hồi môi trường làng nghề bị ô nhiễm cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm.
Cũng theo ông Lê Tuấn Định, trong thời gian tới, TP sẽ thực hiện việc di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tuỳ thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương sẽ áp dụng các hình thức như: quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp, quy hoạch phân tán hoặc quy hoạch phân tán kết hợp tập trung. Đi đôi với đó là chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung.
Về tài chính để thực hiện đề án, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, sẽ đảm bảo phân bố không dưới 10% tổng chi phí sự nghiệp môi trường của TP. Nguồn vốn sẽ lấy từ ngân sách TP, địa phương, tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nguồn hợp tác quốc tế cũng như từ các cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần