Ổn định địa bàn nhờ hòa giải tốt

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 5 năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở cho thấy, công tác hoà giải ở cơ sở tại quận Hai Bà Trưng đã khẳng định được ý nghĩa quan trọng trong đời sống, góp phần tăng cường tình đoàn kết cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa vi phạm pháp luật cũng như tiết kiệm thời gian, kinh phí đáng kể cho nhà nước và Nhân dân.

Mưa dầm thấm lâu
Tại quận Hai Bà Trưng, không ít phường có tính chất đô thị hóa mạnh, phức tạp, phát sinh nhiều mâu thuẫn trong Nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động hiệu quả của các tổ hòa giải đã góp phần đắc lực giúp địa phương ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Điển hình, phường Vĩnh Tuy có nhiều dự án trọng điểm của TP phải GPMB, cùng một loạt dự án xây chung cư cao tầng làm xáo trộn sinh hoạt đời sống của cư dân, nảy sinh nhiều đơn thư các loại. Chính vì vậy, UBND phường đã chủ động cùng các tổ hòa giải tuyên truyền tận cấp ủy chi bộ, tổ dân phố, hộ dân liên quan để hiểu được chủ trương của TP trong các dự án trọng điểm.
 Buổi đối thoại về công tác GPMB giữa đại diện chính quyền phường Vĩnh Tuy và tổ hòa giải cơ sở với người dân nằm trong diện GPMB dự án Vành đai II.
Đơn cử, khi bắt đầu GPMB dự án Vành đai II (năm 2016), đa số hộ vị trí 1 phố Minh Khai có đơn tập thể kiến nghị về giá đất bồi thường. UBND phường cùng cấp ủy, tổ hòa giải 5 địa bàn đồng loạt tuyên truyền cho người dân, trong đó nhấn mạnh dự án này được áp dụng hệ số K điều chỉnh về giá so với những dự án đã triển khai GPMB trên địa bàn. Từ sự kiên trì vào tận nhà vận động của các tổ GPMB, tổ hòa giải, đến giữa năm 2018, gần 400 hộ diện GPMB đã bàn giao mặt bằng.
“Phường đang đô thị hóa mạnh nên có nhiều bức xúc do tranh chấp đất đai. Chúng tôi phân loại đơn, yêu cầu chủ đầu tư giải quyết, giao các tổ hòa giải vào cuộc từ đầu. Đặc biệt, một số địa bàn quy ước, mâu thuẫn nội bộ Nhân dân thông qua tổ dân phố, tổ hòa giải giải quyết trước; không được thì mới chuyển ra phường, đã giúp chính quyền kịp thời xử lý bức xúc từ cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Nam Sơn cho hay.
Tham gia công tác hòa giải đã gần 8 năm, Phó Chủ tịch MTTQ phường Vĩnh Tuy Nguyễn Thị Hoan cho biết, có vụ tranh chấp đất đai trong ngõ ngách, tổ hòa giải địa bàn dân cư 21 vào cuộc mất cả năm trời, nhưng nhờ kiên trì đã thành công.
“Trước mỗi vụ việc, hòa giải viên cần dành 2 - 3 ngày tìm hiểu luật liên quan, rồi gặp từng bên vận động nhiều lần... Chúng tôi tâm niệm “mưa dầm thấm lâu”, từng địa bàn ổn định thì chính quyền ổn định nên có những việc tưởng phải ra tòa nhưng phút cuối lại hòa giải thành” - bà Hoan chia sẻ.
Cần tăng mức hỗ trợ
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sỹ Phong, chất lượng hòa giải tại 20 phường trên địa bàn ngày càng được nâng lên, với tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, trung bình hàng năm đạt trên 80%.
Qua đó hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết trực tiếp những vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư vượt cấp... Có được kết quả đó trước hết nhờ mạng lưới hòa giải viên thường xuyên được củng cố, tăng chất lượng, thu hút nhiều lực lượng tham gia.
Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ phường, hiện mức hỗ trợ cho các hòa giải viên rất hạn chế (90.000 đồng/tháng), mỗi vụ hòa giải thành cả tổ chỉ được bồi dưỡng 100.000 đồng, trong khi họ phải tốn nhiều chi phí gọi điện thoại, đi lại…
Do đó, UBND quận Hai Bà Trưng và nhiều phường kiến nghị tăng mức hỗ trợ cho hòa giải viên cũng như có văn bản hướng dẫn cụ thể nguồn, thủ tục quyết toán việc chi hỗ trợ này. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức luật, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.