Ôn luyện môn Ngữ văn thi THPT Quốc gia: Đọc báo, xem ti vi để có cơ hội đạt điểm cao

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay đến kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ còn gần 1,5 tháng. Theo TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, trừ thời gian bế giảng và nghỉ ngơi, học sinh vẫn còn ít nhất một tháng để ôn tập môn Ngữ văn mỗi ngày một tiếng.

 Một giờ học của học sinh trường THPT Lê Thánh Tông. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Chia thời gian ôn luyện theo ngày

Thời gian một tháng không gấp nếu các thí sinh biết phương pháp ôn luyện môn Ngữ văn một cách khoa học, thông minh; tránh học tủ, học thuộc lòng. Cụ thể, trong 30 ngày, học sinh sẽ có 30 giờ + 3 giờ để ôn 11 tác phẩm văn học, đồng nghĩa với 2 - 3 ngày để ôn một tác phẩm. Với 3 giờ trong 3 ngày đầu, học sinh đọc toàn bộ đoạn trích trong sách giáo khoa để ghi nhớ cốt truyện, chi tiết dẫn chứng, những lời thoại quan trọng, hoặc nhớ những đoạn thơ, câu thơ quan trọng. Cùng với đó là kết hợp đọc bài giảng của thầy cô đã được học sinh ghi lại trong vở. Ngày thứ hai, học sinh tách khỏi sách vở, tự hệ thống lại kiến thức đã được tiếp nhận khi nghe giảng theo sơ đồ tư duy, sau đó đọc lại vở ghi để kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung phần kiến thức đã tiếp nhận và hệ thống hóa. Ngày thứ ba, học sinh xác định các đoạn trong bài thơ, các chi tiết trong văn xuôi, kịch có khả năng xuất hiện trong tình huống đề, tìm mối liên hệ, hướng triển khai.

Đi sâu vào từng phần trong cấu trúc đề thi Ngữ văn, để làm được 4 câu hỏi trong phần đọc hiểu (3 điểm), cô Tuyết khuyên học sinh cần xác định tương đối chính xác yêu cầu của từng câu hỏi theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Từ đó, các em có thể trả lời ngắn gọn, hàm súc, chính xác từng câu, giúp đạt điểm tối đa cho phần đọc hiểu.

Không biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ

Thời gian để ôn luyện thi THPT quốc gia 2019 còn rất ngắn và có nhiều môn khác phải học, không chỉ riêng Ngữ văn. Nhưng, trong những ngày ôn thi này, học sinh vẫn cần có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Cô Tuyết khuyên học sinh thay vì ngồi xem ca nhạc trên ti vi thì nên theo dõi chương trình thời sự khoảng 40 phút mỗi ngày, trùng vào thời gian ăn tối. Khi xem chương trình thời sự, học sinh sẽ nắm bắt, cập nhật những vấn đề nóng nhất của cuộc sống. Phần câu hỏi nghị luận xã hội (2 điểm) thường chạm đến những vấn đề thời sự xã hội, học sinh cần lưu ý để có thể khai thác vào viết đoạn văn.

Thực thế, cách đây vài năm, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn, ở phần nghị luận xã hội đã yêu cầu thí sinh viết về vấn đề mê muội thần tượng, suy nghĩ về tấm gương anh Nguyễn Văn Nam hy sinh thân mình để cứu trẻ em đuối nước. Nếu học sinh quan tâm đến vấn đề này sẽ có xúc cảm, khi làm bài sẽ đầy đặn và mang sức sống của thực tế hơn. Thí sinh đặc biệt chú ý, khi đọc đề thi phải xác định đúng yêu cầu bàn luận về một bình diện, một khía cạnh nào trong nội dung vấn đề (về nguyên nhân/ hậu quả/ ý nghĩa/ vai trò hay bài học rút ra cho bản thân từ vấn đề...). Học sinh chỉ được nghị luận về đúng một khía cạnh đó, không tản mạn, không nói lan man; tuyệt đối không biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ.

Với phần nghị luận văn học (5 điểm), theo mô hình đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích hai/ ba chi tiết quan trọng giúp thể hiện một vấn đề nào đó của tác phẩm. Câu này trong đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT là những kiến thức thuộc lớp 12. Theo cô Tuyết, học sinh cần dành thời lượng nhiều nhất cho giai đoạn ôn tập này là 11 tác phẩm văn học. Bao gồm, 4 bài thơ: Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng; 2 đoạn trích tùy bút, bút kí: Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông; 4 đoạn trích tự sự: Vợ chồng A phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa; 1 đoạn kịch: Hồn Trương Ba da hàng thịt.

Khi làm câu nghị luận văn học, trước tiên cần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận trước khi triển khai hệ thống ý nghị luận.

Ngoài ra, học sinh cần đọc kỹ đề bài, tránh làm lạc đề, lạc hướng, bình tĩnh và bố trí thời gian làm bài hợp lý, khoa học.