Ông Biden sắp tung “đòn” nhắm vào ngành công nghệ Trung Quốc?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin Reuters ngày 4/8 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp vào đầu tuần tới nhằm sàng lọc các khoản đầu tư của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg

Theo nguồn tin trên, mục tiêu của sắc lệnh là ngăn chặn nguồn vốn và kỹ thuật của Mỹ giúp đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Sắc lệnh dự kiến sẽ nhắm đến những nguồn vốn cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu tư liên doanh của Mỹ tại Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Theo sắc lệnh mới, phần lớn các khoản đầu tư sẽ phải thông báo cho chính phủ Mỹ, trong khi một số khoản đầu tư khác bị cấm hoàn toàn.

Ông Cordell Hull, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, đánh giá: “Sắc lệnh này sẽ lấp đầy lỗ hỗng trong các cơ chế hiện có. Mỹ đã có các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ, hoặc cấm nước ngoài đầu tư vào các ngành kỹ thuật nội địa nhạy cảm. Sắc lệnh này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về tài trợ và chuyển giao bí quyết công nghệ, đồng thời giúp chính phủ liên bang giám sát các dòng vốn vào mảng công nghệ”.

Các nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng, những khoản đầu tư bị hạn chế dự kiến nhằm đánh giá các quy định kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc do Bộ Thương mại Mỹ ban hành hồi tháng 10/2022.

Theo các nguồn tin, các quy định dự kiến sẽ không có hiệu lực ngay lập tức và chính quyền sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp đối với các đề xuất.

Chính quyền Washington đã tiến hành trao đổi với các bên liên quan và tham khảo ý kiến các đồng minh. Vấn đề này cũng được nêu ra trong chuyến đi gần đây của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tới Trung Quốc.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Yellen có thái độ mềm dẻo khi tái khẳng định Mỹ không tìm cách cô lập nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho rằng “điều đó là thảm hoạ với cả hai và khiến thế giới trở nên bất ổn”.

Về phần các lệnh hạn chế xuất khẩu, bà Yellen khẳng định bất kỳ quy định đầu tư mới nào (nếu có) đều sẽ “có mục tiêu cao, định hướng rõ ràng, trong phạm vi hẹp vào một số lĩnh vực cụ thể mà nước này quan ngại về an ninh quốc gia” để tránh những hậu quả không đáng có.

Cựu quan chức liên bang từng làm việc về chính sách đầu tư vào Trung Quốc Emily Kilcrease cho biết, Washington cũng đang cố gắng xác định những gì được coi là trí tuệ nhân tạo và kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài của các công ty và người dân Mỹ.

Bà Kilcrease mô tả sắc lệnh này là một bước quan trọng trong việc thiết lập một hệ thống giám sát giúp Mỹ sàng lọc các giao dịch đến các quốc gia có liên quan. Theo cựu quan chức Mỹ, trước khi ban hành sắc lệnh, Washington cũng chuẩn bị cho sự trả đũa của Bắc Kinh.

Bình luận về thông tin của Reuters, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu nói rằng Washington "thường xuyên chính trị hóa các vấn đề công nghệ và thương mại với lý do để đảm bảo an ninh quốc gia”.

Ông Liu Pengyu cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi chặt vấn đề này, đồng thời khẳng định nước này sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.

Hồi tháng 5 vừa qua, cơ quan an ninh mạng Trung Quốc ra thông báo rằng nhà sản xuất chip Mỹ Micron Technology không vượt qua kỳ đánh giá bảo mật, do đó cấm các công ty vận hành cơ sở hạ tầng trọng yếu nội địa sử dụng sản phẩm của thương hiệu này.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng từ chối yêu cầu bình luận của giới truyền thông về thông tin trên.