"Ông lớn" VPBank nhận tin vui, thiếu gia tập đoàn xây dựng rời ghế nóng

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến trái chiều của nhóm cổ phiếu ngân hàng và xây dựng là những điểm đáng quan tâm của thị trường chứng khoán tại thời điểm mở cửa phiên hôm nay (19/7/2022).

Nhận tin tốt, VPB vẫn giảm điểm

Áp lực bán đến từ nhà đầu tư nước ngoài khiến thị trường chứng khoán đảo chiều, chuyển từ hưng phấn trong phiên sáng đến hụt hẫng tại thời điểm chốt phiên giao dịch 18/7.

HĐQT VPBank vừa thông qua việc đầu tư mua/nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Công ty cổ phần bảo hiểm OPES từ các cổ đông hiện hữu
HĐQT VPBank vừa thông qua việc đầu tư mua/nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Công ty cổ phần bảo hiểm OPES từ các cổ đông hiện hữu

Trong phiên giao dịch này, VN-Index đánh mất động lực hồi phục, thanh khoản thị trường tương đương phiên trước với giá trị giao dịch đạt gần 13.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau nhiều phiên khởi sắc và trở thành trụ đỡ cho thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh.nHàng loạt cổ phiếu như SHB, STB, EIB đều giảm trên 1%. Ngược chiều vẫn có một vài mã như TCB, LPB, VIB giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ.

Ở nhóm giảm điểm, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng gây chú ý với khối lượng giao dịch khá lớn, đạt hơn 7,5 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư trao tay. Chốt phiên VPB giảm 0,35% về mốc 28.150 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên chấm dứt chuỗi 4 ngày tăng điểm liên tiếp của mã này.

Tính chung trong 1 tháng qua, VPB đã hồi phục nhẹ với mức tăng gần 1%. Tuy nhiên, nếu tính theo quý, mã này vẫn đang mất 23,2% giá trị.

Liên quan đến mã này, Hội đồng quản trị VPBank vừa thông qua việc đầu tư mua/nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Công ty cổ phần bảo hiểm OPES từ các cổ đông hiện hữu.

Theo đó, ngân hàng dự kiến nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần OPES (tương đương với 87% vốn điều lệ). Với giá trung bình 12.200 đồng/cp, tổng số tiền VPBank sẽ chi ra cho thương vụ này là 585 tỷ đồng.

Sau khi thành công, tỷ lệ sở hữu của VPBank tại OPES sẽ tăng lên 98% và chính thức trở thành công ty mẹ để hợp nhất báo cáo tài chính.

Được biết, OPES là 1 công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ và có vốn góp cổ đông của nhiều tổ chức khác nhau. Trong đó, VPBank là cổ đông sáng lập và hiện sở hữu 11% vốn. OPES mới được thành lập từ tháng 3/2018 và có sản phẩm đầu tiên vào tháng 3/2019. Năm 2019, OPES ký một loạt các hợp tác chiến lược với những đối tác nằm trong hệ sinh thái của VPBank như YOLO, FE Credit, khối Tín dụng tiểu thương CommCredit, khối Khách hàng cá nhân VPBank...

Thiếu gia Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ bỏ "ghế nóng" sau 2 năm kế nhiệm cha

Trở lại thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 18/7, trái ngược với diễn biến "kém sắc" của nhóm ngân hàng, điểm sáng lại xuất hiện ở nhóm cổ phiếu xây dựng với loạt mã giao dịch tích cực. Tỏa sáng nhất là FCN và HHV khi tăng hết biên độ trong phiên. Bên cạnh đó, hàng loạt mã như VCG, C4G, LCG, PHC cũng bứt phá mạnh trên 3%.

Thiếu gia Lê Viết Hiếun- con trai Chủ tịch HBC Lê Viết Hải vừa được HĐQT thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 23/7
Thiếu gia Lê Viết Hiếun- con trai Chủ tịch HBC Lê Viết Hải vừa được HĐQT thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 23/7

Trong đó, cổ phiếu HBC của công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng tham gia góp sức nâng đỡ thị trường với mức tăng 0,77%, lên mốc 19.600 đồng/cổ phiếu. Mặc dù mã chứng khoán này giao dịch khá giằng co trong những phiên gần đây, nhưng nếu là nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này sẽ không khỏi vui mừng khi tính chung qua 1 tháng HBC đã hồi phục gần 18,2%. Đây là điểm sáng của thị trường chứng khoán trong bối cảnh dự đoán không mấy sáng sủa.

Về tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), mới đây Hội đồng quản trị HBC vừa thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu kể từ ngày 23/7. Thay vào đó, ông Lê Viết Hiếu - con trai của Chủ tịch Lê Viết Hải sẽ giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực của HBC kể từ ngày 23/7.

Như vậy, tròn 2 năm kể từ ngày nhận chuyển giao ghế Tổng Giám đốc từ cha Lê Viết Hải, ông Lê Viết Hiếu đã chính thức rút khỏi vị trí này.

Tính đến hiện tại, ngoài vị trí Tổng Giám đốc của ông Hiếu, ban điều hành của HBC còn có 6 Phó Tổng Giám đốc gồm: Ông Trương Quang Nhật, ông Nguyễn Tấn Thọ, ông Dương Đình Thanh, ông Nguyễn Hùng Cường, ông Lê Quốc Duy và ông Đinh Văn Thanh.

Được biết, ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, là cử nhân Quản trị kinh doanh chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, trường Đại học California Polytechnic State, San Luis Obispo (Mỹ). Ông Hiếu đã có quá trình công tác tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam trước khi gia nhập HBC vào năm 2016.

Tại HBC, ông Hiếu đã đảm nhiệm các vị trí Phó Giám đốc rồi lên Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài, và Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc.

Ông Lê Viết Hiếu chính thức giữ vai trò Tổng Giám đốc của tập đoàn thay cha là Lê Viết Hải kể từ tháng 7/2020. Thời điểm đó vị thiếu gia này mới 28 tuổi. Ông Hiếu cũng được bầu vào HĐQT của HBC nhiệm kỳ 2019 - 2024 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.