Ông Putin đập tan nghi ngại sau binh biến Wagner

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Vladimir Putin hôm 4/7 khẳng định, người dân Nga “đoàn kết hơn bao giờ hết,” trong bối cảnh Moscow mới trải qua cuộc binh biến Wagner. 

Cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), do Ấn Độ tổ chức trực tuyến, là hội nghị thượng đỉnh đa phương đầu tiên ông Putin tham gia kể từ khi cuộc nổi dậy của lực lượng Wagner làm rung chuyển nước Nga. 

Ông Vladimir Putin đã tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một nhóm an ninh do Nga và Trung Quốc thành lập đối chọi với các liên minh phương Tây từ Đông Á đến Ấn Độ Dương. Ảnh: AP
Ông Vladimir Putin đã tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một nhóm an ninh do Nga và Trung Quốc thành lập đối chọi với các liên minh phương Tây từ Đông Á đến Ấn Độ Dương. Ảnh: AP

Nhóm an ninh châu Á SCO, do Nga và Trung Quốc thành lập nhằm đối chọi với các liên minh phương Tây, gần đây chào đón Iran với tư cách là thành viên mới, nâng tổng số lên 9 quốc gia.

Phát biểu trực tuyến từ Điện Kremlin, ông Putin khẳng định SCO “đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế, đóng góp thực sự vào việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững của các quốc gia thành viên và tăng cường quan hệ giữa các dân tộc”.

Ông chủ Điện Kremlin cũng cảm ơn các quốc gia thành viên đã hỗ trợ chính quyền Nga trong cuộc binh biến ngắn ngủi do thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin gây ra, và nói rằng phương Tây đã biến Ukraine thành “một quốc gia gần như thù địch - chống Nga”. 

Theo giới quan sát, Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để ông Putin minh chứng khả năng cầm quyền ổn định sau cuộc nổi dậy. 

Ông Putin khẳng định: “Người dân Nga đoàn kết hơn bao giờ hết. Sự đoàn kết và trách nhiệm đối với vận mệnh của tổ quốc đã được giới chính trị Nga và toàn thể xã hội thể hiện rõ ràng bằng cách sát cánh như một mặt trận thống nhất chống lại âm mưu nổi dậy vũ trang.”

Một tuyên bố được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến cũng không đề cập đến Ukraine, nhưng cho biết các mối đe dọa và thách thức đang “ngày càng trở nên phức tạp, phá hoại và nguy hiểm hơn, các cuộc xung đột hiện tại đang trở nên trầm trọng hơn và các cuộc xung đột mới đang nổi lên”.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cảnh báo về những thách thức toàn cầu đối với nguồn cung lương thực, nhiên liệu và phân bón nhưng không đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine. 

“Chủ nghĩa khủng bố đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình khu vực và chúng ta cần phải tham gia một cuộc chiến chung,” ông Modi nói, điều được cho là ám chỉ Pakistan. Ấn Độ thường xuyên cáo buộc Pakistan huấn luyện và trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy, một cáo buộc mà Islamabad bác bỏ.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã lên án chủ nghĩa khủng bố. Ông Sharif cũng ca ngợi Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nói rằng đây có thể là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi cho sự kết nối, ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.