Ông Putin dự thượng đỉnh BRICS khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia một cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo BRICS khác vào hôm nay (21/11) để thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Đài RT đưa tin, hội nghị thượng đỉnh BRICS khẩn cấp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điện Kremlin hôm 20/11 cho biết, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ thảo luận về cuộc chiến đang leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas.

Trước đó cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo, nhà lãnh đạo sẽ chủ trì một cuộc họp chung bất thường về cuộc xung đột tại Gaza. Nam Phi hiện là chủ tịch nhóm BRICS, bao gồm Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Ngoài các thành viên BRICS chính thức, lãnh đạo các nước Ả Rập Saudi, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng được mời tham gia cuộc họp thượng đỉnh này.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Nam Phi, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Gaza”, và sau đó thông qua một tuyên bố chung về vấn đề này. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng sẽ tham gia cuộc họp này.

Israel đã tiến hành một chiến dịch quân sự lớn ở Dải Gaza trong hơn một tháng qua. Động thái này nhằm đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas, khiến khoảng 1.200 người Israel, chủ yếu là dân thường thiệt mạng. Hơn 200 người cũng bị phiến quân Hamas bắt làm con tin.

Chính quyền Tel Aviv trả đũa bằng một chiến dịch ném bom lớn nhằm vào Gaza, sau đó là một chiến dịch trên bộ. Theo báo cáo của Bộ Y tế ở Gaza, hơn 12.000 người ở dải Gaza, trong đó gần một nửa là trẻ em, đã thiệt mạng kể từ khi bùng phát cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas hôm 7/10 vừa qua.

Nga nhiều lần kêu gọi ngừng bắn nhanh chóng ở Gaza. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, cách duy nhất để chấm dứt xung đột Israel-Hamas là thông qua khuôn khổ giải pháp hai nhà nước do Liên Hợp quốc hậu thuẫn, đòi hỏi nỗ lực thực sự của tất cả các bên để thực hiện.