Ông Trump ký sắc lệnh di trú: Bình mới rượu cũ

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sắc lệnh di trú mới được ông Trump ký trong yên lặng và có một số thay đổi để tránh các thách thức pháp lý.

Sắc lệnh di trú mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3. So với “phiên bản” cũ bị tòa án liên bang chặn đứng, sắc lệnh lần này đã có một số điều chỉnh. Cụ thể, Iraq sẽ được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Như vậy, danh sách các quốc gia bị cấm nhập cảnh chỉ còn lại 6 nước là Iran, Libya, Yemen, Syria, Somalia và Sudan. Ngoài ra, những công dân đã có thẻ xanh (công dân thường trú hợp pháp tại Mỹ) sẽ không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh di trú mới.
 Tổng thống Trump ký sắc lệnh mới trong "yên lặng".
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Iraq “thoát” lệnh cấm vì chính phủ nước này đã cam kết tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố. Về vấn đề người tị nạn, sắc lệnh mới tạm cấm tất cả người tị nạn đến Mỹ trong vòng 120 ngày. Riêng nội dung cấm nhập cảnh người tị nạn Syria vô thời hạn trong sắc lệnh trước đó đã được hủy bỏ. Tuy nhiên, số lượng người tị nạn được giới hạn ở mức 50.000 người/năm, giảm một nửa so với con số 110.000 người/năm của chính phủ tiền nhiệm dưới thời ông Barack Obama.
Tại cuộc họp báo công bố sắc lệnh, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly cho rằng sắc lệnh mới sẽ tạo ra khoảng ngừng cần thiết để “rà soát cẩn thận cách kiểm tra những người đến từ các quốc gia có vấn đề an ninh”. Còn Ngoại trưởng Tillerson khẳng định, như mọi quốc gia, Mỹ có quyền kiểm soát vấn đề nhập cảnh và ngăn chặn những ai sẽ gây hại cho đất nước.
 Người biểu tình phản đối sắc lệnh di trú của ông Trump.
Những điều chỉnh này được cho là để tránh những thách thức pháp lý trước đó mà sắc lệnh cũ từng phải đối mặt. Lần này, sắc lệnh di trú được ông Trump ký thông qua trong “lặng lẽ” và cử 3 thành viên nội các thông báo tại trụ sở Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ ở Washington mà không hề có sự “tiền hô hậu ủng” như trước kia. Việc sắc lệnh có hiệu lực 10 ngày sau khi ký cũng thể hiện tính chất thăm dò và thận trọng hơn.
“Không phạm một lỗi nào”, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer chia sẻ với phóng viên về những sửa đổi sắc lệnh mới. Cây bút bình luận Anthony Zurcher của BBC phân tích, những sự điều chỉnh trong sắc lệnh mới dường như đã thể hiện dấu ấn từ các luật sư của chính phủ chứ không chỉ các cố vấn Nhà Trắng như Steve Bannon và Stephen Miller.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sắc lệnh mới “thoát” được các thách thức về mặt pháp lý. Luật sư Stephen Yale-Loehr, Đại học Cornell mô tả sắc lệnh mới được ký hôm 6/3 là “bình mới rượu cũ”. Lý giải điều này, ông Yale-Loehr cho rằng, mặc dù phạm vi sắc lệnh mới áp dụng với ít đối tượng hơn nhưng vẫn gây ra những phản đối tương tự. Các công ty và trường Đại học vẫn có thể lập luậ rằng, họ đang bị mất nguồn nhân lực tiềm năng trong khi các gia đình ở Mỹ sẽ phản đối vì cho rằng, họ không được phép gặp các thành viên khác trong gia đình.
Ngoài ra, lập luận rằng công dân ở 6 quốc gia này đặt ra nguy cơ về an ninh với nước Mỹ cũng không đủ căn cứ. Báo cáo của Bộ An ninh Nội địa rò rỉ vào tháng trước cho thấy, chưa đủ chứng cứ về việc người dân đến từ các nước bị nêu tên gây ra các vụ khủng bố ở Mỹ. “Do đó, sắc lệnh mới cũng có thể bị kiện bởi chính quan điểm này”, luật sư Stephen Yale-Loehr cho hay.