Ông Trump muốn tăng chi tiêu cho quốc phòng

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tăng chi tiêu quốc phòng tài khóa mới thêm 10%.

Đây là thông tin được giới truyền thông dẫn nguồn từ quan chức Nhà Trắng phụ trách ngân sách. Theo đó, Tổng thống Trump sẽ đề nghị Quốc hội tăng chi tiêu cho Lầu Năm Góc trong năm tài chính tiếp theo lên 54 tỷ USD trong bản dự toán ngân sách đầu tiên của ông. Đồng thời cắt giảm số tiền tương đương từ nguồn chi tiêu phi quốc phòng bao gồm viện trợ nước ngoài. Đây được xem là kế hoạch tăng chi tiêu quân sự cao ở “mức lịch sử”.

 Ông Trump phát biểu trước các thống đốc liên bang tại Nhà Trắng tối 26/2.

Giám đốc Văn phòng quản lý ngân sách Mick Mulvaney cho biết, ngân sách đề xuất cho năm 2018 của Tổng thống Trump sẽ bao gồm kinh phí xây dựng bức tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico, một vấn đề gây tranh cãi nổi lên trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.

Giới chuyên gia nhận định, để tăng khoản chi cho quốc phòng, ngân sách của Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và các chương trình phi quốc phòng khác sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên, các chương trình xã hội liên bang như An sinh xã hội, chăm sóc y tế người già – Medicare không bị ảnh hưởng.

Phát biểu trước các thống đốc liên bang tại Nhà Trắng vào tối 26/2, ông Trump cho biết bản dự toán ngân sách của ông bao gồm “mức tăng lịch sử trong chi tiêu quốc phòng để tái thiết quân đội suy yếu của nước Mỹ”. Tổng thống Mỹ không phải là người cuối cùng quyết định về chi tiêu liên bang. Kế hoạch của ông cho quân sự là một phần trong dự toán ngân sách trình lên Quốc hội.

Tân Tổng thống Mỹ từng nói, ông sẽ mở rộng lực lượng Lục quân từ 480.000 lên 540.000 binh lính tại ngũ, tăng từ 23 lên 36 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến, đẩy mạnh Hải quân từ 276 lên 350 tàu và tàu ngầm... Ông Trump cũng cho biết sẽ thúc đẩy phát triển về phòng thủ tên lửa và công nghệ mạng.

Mặc dù đang được kiểm soát bởi những nghị sĩ đảng Cộng hòa, song Quốc hội sẽ không nhất thiết phải tuân theo các kế hoạch của Trump. Các cuộc thương lượng về ngân sách với các nhà lập pháp có thể kéo dài vài tháng. Bên cạnh đó, một quan chức cấp cao khác nói rằng, ngân sách của Bộ Quốc phòng có thể bị cắt giảm đến 30%. Điều này có thể buộc Bộ phải tái cơ cấu và cắt giảm một số chương trình của Bộ.

Thêm vào đó, hơn 120 tướng về hưu của Mỹ tối ngày 27/2 đã kêu gọi Quốc hội hãy tài trợ đầy đủ cho Bộ Ngoại giao và các gói viện trợ nước ngoài. Họ nói rằng, việc nâng cao và tăng cường và phát triển ngoại giao bên cạnh quốc phòng và rất quan trọng để giữ cho nước Mỹ an toàn.