OPEC: Không thể thay thế nguồn cung dầu từ Nga

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 11/4 nói rằng các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai đối với Nga có thể tạo ra một trong những cú sốc nặng nề nhất từ trước đến nay về nguồn cung cấp dầu.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết thị trường biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Ảnh: REUTERS
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết thị trường biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Ảnh: REUTERS

Tại Hội đàm ở Vienna, Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi xem xét các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga và kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu. Đồng thời EU hy vọng OPEC có thể cung cấp thêm từ nguồn dầu dự phòng của mình.

Tổng thứ ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết tổ chức này có khả năng bị mất hơn 7 triệu thùng/ngày dầu xuất khẩu và các chất lỏng khác của Nga do các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai.

Cũng trong cuộc họp, EU nhắc lại lời kêu gọi các nước xuất khẩu dầu xem xét tăng lượng giao hàng nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt. Đại diện của EU cũng cho rằng OPEC có trách nhiệm đảm bảo cân bằng thị trường dầu.

Tuy nhiên, OPEC đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ và Cơ quan năng lượng Quốc tế về việc bơm thêm dầu thô để hạ nhiệt giá, vốn đã đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm vào tháng trước do Mỹ và Bỉ áp đặt các lệnh trực phạt đối với Nga. Australia, Canada và Mỹ là những nước ít phụ thuộc vào nguồn cung của Nga hơn Châu Âu, ba nước này đã cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Ông Barkindo cho biết thị trường biến động mạnh như hiện tại là kết quả của “các yếu tố phi cơ bản”, nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC. Cho đến nay, dầu hiện không nằm trong danh sách trừng phạt Nga của EU dù than là mục tiêu trừng phạt đầu tiên được 27 nước đồng ý.

Bộ trưởng ngoại giao Ireland cho biết EU đang soạn thảo đề xuất về lệnh cấm vận dầu đối với Nga. Tuy nhiên, EU vẫn đang phân vân về đề xuất này do bản thân EU vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung dầu của Nga khá nhiều và giá năng lượng ở châu Âu vốn đã cao.

EU dự kiến giảm 30% mức sử dụng dầu vào năm 2030 so với 2015, theo các chính sách đã được hoạch định để chống biến đổi khí hậu.