OPEC và Nga cân nhắc tăng sản lượng, giá dầu lao dốc mạnh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch 25/5, giá dầu mất hơn 2 USD/thùng sau khi Ả Rập Saudi và Nga cho biết đang cân nhắc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nỗ lực giúp đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Giá “vàng đen” giảm trong phiên này trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga cân nhắc giảm hạn chế sản lượng khai thác dầu để “bù đắp” cho sự gián đoạn khai thác dầu mỏ tại Venezuela và hoạt động xuất khẩu dầu bất ngờ giảm của Iran. 
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ả Rập Saudi Khalid al-Falih về việc nới lỏng các điều khoản của thỏa thuận hạn chế sản lượng được thực hiện trong 17 tháng qua, trước thềm cuộc họp OPEC tại Vienna (Áo) trong tháng 6. Theo đó, các bộ trưởng năng lượng Ả Rập Saudi, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang cân nhắc tăng sản lượng dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày. 
 Giá dầu giảm mạnh sau khi OPEC và Nga cân nhắc tăng sản lượng.
Giá dầu Brent tương lai giao tháng 6 giảm 2,17 USD, tương đương 2,8%, xuống 76,62 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã giảm khoảng 2,4%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 4.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 2,48 USD, tương đương 3,5%, xuống 68,23 USD/thùng. Sau 6 tuần tăng liên tục, giá WTI đã mất 4,3% trong tuần này, mức lớn nhất kể từ đầu tháng 2.
Ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ nhận định việc OPEC và Nga tăng sản lượng “có thể cần thiết để duy trì nguồn cung cho thị trưởng” trong khi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt với Tehrann có thể khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran sụt giảm vào cuối năm nay. 
Trong khi Nga và OPEC được hưởng lợi từ giá dầu đi lên, tăng gần 20% kể từ cuối năm 2017, thì thỏa thuận cắt giảm sản lượng do họ dẫn dắt đã mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất khác để gia tăng sản lượng và giành thị phần. 
"Việc cân nhắc nới lỏng thỏa thuận giảm sản lượng nhiều khả năng sẽ hạn chế đà tăng mới của giá dầu và thị trường dầu sẽ rất khó để vượt ngưỡng 80 USD/thùng vì nguồn cung dầu toàn cầu sẽ ổn định", các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết.
Dự trữ dầu thô trên toàn thế giới đã giảm trong năm 2017 do OPEC giảm sản lượng, chủ yếu do nguồn cung giảm mạnh ở Venezuela. Khả năng Mỹ tái trừng phạt Iran sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng thúc đẩy giá dầu trong những tuần gần đây, bất chấp sản lượng dầu thô từ Mỹ gia tăng, lên 10,3 triệu thùng/ngày hồi tháng 2.