PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng đi vào chiều sâu

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) mới thực sự khởi sắc và đem lại niềm tin cho đảng viên và Nhân dân.

Để đạt hiệu quả hơn nữa, cần siết chặt kỷ luật Đảng và có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Tăng giám sát, ngăn cán bộ “tha hóa”

Nhìn từ hội nghị toàn quốc về công tác PCTN vừa qua có thể thấy những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu, bởi chống tham nhũng là cuộc chiến trường kỳ, quyết liệt. Quan điểm của ông trước nhận định này thế nào?

- Trước hết phải nói rằng, hội nghị vừa qua đã tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị, tập trung lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ PCTN, có giá trị tổng kết thực tiễn lớn. Kết quả công tác PCTN được đưa ra rất sát với thực tiễn. So sánh về số vụ việc, quy mô, cách thức xử lý, số lượng cán bộ đảng viên bị xử lý… cho thấy công tác này đã nhiều thành công đáng kể, gấp nhiều lần so với thời kỳ trước, để lại những dấu ấn lớn. Những nguyên nhân thành công cũng đã được Tổng Bí thư chỉ rõ, trong đó đặc biệt công tác PCTN đã trở thành phong trào thực sự mang tính cách mạng, một xu thế trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho mọi người không thể đứng ngoài cuộc, đều góp sức vào công cuộc này.
 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Những kết quả đạt được cũng khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, càng không có chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con” hay “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là minh chứng cho thấy Đảng có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân. Hội nghị lần này cũng đã rút ra những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để vạch ra chương trình hành động mới để đấu tranh đẩy lùi tham nhũng.

Từ thực tiễn vừa qua đã cho thấy, kiểm soát quyền lực nổi lên là yêu cầu hết sức cấp bách. Bởi tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Để kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, phải “nhốt quyền lực vào lồng thể chế”. Chiếc “lồng” này có thể hiểu như thế nào, thưa ông?

- Nhìn vào những con số hàng nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có 50 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, tôi cũng như nhiều người, vừa vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn. Tham nhũng gắn với quyền lực. Khi bố trí một cán bộ vào những vị trí có chức, có quyền mà lại thiếu kiểm soát, giám sát, người kém bản lĩnh sẽ dễ sa ngã, vi phạm, lợi ích nhóm, chưa nói đến việc con người vốn ham vật chất, tham danh vọng... Điều đó cho thấy kiểm soát quyền lực cho hiệu quả thực sự là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng phát sinh tham nhũng.

Đúng như lời Tổng Bí thư đã nói “quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế”. Vấn đề hiện nay là phải định hình rõ cơ chế vận hành việc kiểm soát quyền lực, làm rõ ai kiểm soát, kiểm soát ai, kiểm soát những nội dung gì, bằng công cụ gì, thước đo gì, cần rất cụ thể, không thể nói chung chung.

Trước kia, chúng ta đã coi trọng tính kỷ luật, kỷ cương, nhưng còn nhiều định tính. Nay đã có nhiều quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, có khung, có lượng hóa sát sao về luân chuyển cán bộ; phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Qua đó, giúp Đảng có thể lựa chọn, sàng lọc cán bộ từ sớm, dần hạn chế tình trạng nể nang, xuê xoa, né tránh…

Qua thực tế tôi thấy, đòi hỏi phải chú trọng cả trách nhiệm kiểm soát, xây dựng cơ chế để kiểm soát theo chiều dọc và chiều ngang. Cấp trên kiểm soát cấp dưới, cùng cấp giám sát nhau, chú trọng kiểm soát chéo, Nhân dân kiểm soát cán bộ. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 01 quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác PCTN, giao thêm quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, giám sát. Đây là điều rất đáng mừng, góp phần lớn vào kiểm soát quyền lực, phòng ngừa vi phạm.

Cái gốc là công tác cán bộ

Thưa ông, hiện PCTN đang bước vào giai đoạn quyết liệt và một trong những mục tiêu được đưa ra là từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, để “không thể tham nhũng”. Trong đó có việc sửa đổi Luật PCTN cũng nhận được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực điều này?

- Đúng vậy, trong PCTN, việc xử lý các đối tượng vi phạm, hay nói khác đi là “việc đã rồi” rất quan trọng, nhưng phòng ngừa cũng quan trọng không kém. Tôi rất quan tâm đến một quy định trong Luật sửa đổi lần này là việc kiểm soát, quản lý kê khai tài sản, phải gắn với công khai, minh bạch, không thể để các bản kê được “ngủ yên” trong hộc tủ rồi kết luận gần như không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Dư luận ở nơi cư trú, ở nơi công tác có thể đánh giá được cán bộ trung thực đến mức nào nếu những “bí mật” tài sản của cán bộ được công khai. Đảng đã khẳng định “không có vùng cấm” trong PCTN, thì tài sản của cán bộ không phải là ngoại lệ, đó phải là những thông tin hàng đầu cần được công khai, minh bạch.

Đồng thời, cần xây dựng thiết chế để các cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhau, giám sát chéo, bất kỳ ai có hành vi, chứng cứ tài sản bất minh phải đình chỉ công tác ngay, thực hiện biện pháp ngăn chặn khẩn cấp không để họ tẩu tán, che giấu tài sản.

Vậy với những cơ sở pháp lý đã và đang được xây dựng, những quyết tâm và giải pháp đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại hội nghị vừa qua, ông có kỳ vọng thời gian tới, PCTN sẽ tiếp tục tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa?

- Với quyết tâm và những giải pháp mạnh mẽ hiện nay, tôi rất tin tưởng PCTN sẽ tiếp tục đạt kết quả vững chắc hơn nữa. Tôi cho rằng, việc tăng cường kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước cũng không thể tách rời kết quả PCTN. Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí, lựa chọn cán bộ theo Nghị quyết T.Ư 6, Nghị quyết T.Ư 7 Khóa XII cũng tác động trực tiếp đến công tác PCTN. Ngược lại nếu chống tham nhũng thành công cũng góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Như phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị đã khẳng định, để chống tham nhũng thành công phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Do đó, phải tiếp tục thúc đẩy xu thế chống tham nhũng đi vào chiều sâu, để đạt kết quả tích cực vào thiết thực hơn.

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, các giải pháp cả phòng và chống đã được Tổng Bí thư nêu ra phải tiến hành đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên cái gốc vẫn là công tác cán bộ, kiên quyết không để lọt vào đội ngũ người cơ hội, bè phái... Theo đó, công tác lựa chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ phải được thực hiện nghiêm. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, chú ý đến tiêu chuẩn về đạo đức như mong muốn của Bác Hồ, “dĩ công vi thượng”, không có tơ hào lợi ích, dính vào tham nhũng, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Đồng thời phải kiểm soát quyền lực bằng cơ chế. Chỉ khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp mà quan trọng nhất là làm tốt công tác cán bộ, việc PCTN mới thực sự có gốc vững bền, không đơn thuần chỉ đi giải quyết phần ngọn là những việc đã xảy ra.

Xin cảm ơn ông!