Rút thẩm quyền dừng xe của Thanh tra GTVT:

Phá đi một rào cản ngăn ngừa vi phạm

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ Tư pháp xem xét có đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng phương tiện của Thanh tra giao thông vận tải (GTVT). Nhiều ý kiến cho rằng, làm vậy là tự phá đi một rào cản hữu hiệu ngăn ngừa các vi phạm của xe kinh doanh vận tải.

Không chồng lấn thẩm quyền

Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) quy định Thanh tra GTVT được thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.

Trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, Thanh tra GTVT được phép dừng phương tiện và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Thông tư 02/2014/TT – BGTVT cũng quy định rõ các trường hợp Thanh tra GTVT được dừng xe kiểm tra, xử lý gồm: vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ; xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.

Nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Long Biên Nguyễn Quang Lượng chia sẻ: “Không thể nói là thẩm quyền của Thanh tra GTVT chồng lấn lên CSGT. Bởi CSGT là lực lượng xử lý lỗi vi phạm giao thông trên đường đối với người điều khiển phương tiện. Còn Thanh tra GTVT xử lý các vi phạm về kinh doanh vận tải”.

Nhiều năm qua, cả hai lực lượng Thanh tra GTVT và CSGT đã thường xuyên phối hợp với nhau rất nhuần nhuyễn trong xử lý vi phạm của nhóm xe kinh doanh vận tải. Trong đó Thanh tra GTVT còn xử lý cả trách nhiệm của DN, chủ xe, có vai trò rất quan trọng trong việc răn đe, ngăn ngừa vi phạm. “Nếu Thanh tra GTVT không được dừng xe kiểm tra, thì toàn bộ gánh nặng phát hiện, xử lý, ngăn ngừa vi phạm trên đường sẽ đặt lên vai CSGT, hiệu quả sẽ khó có thể được như khi cả hai lực lượng cùng tham gia xử lý” - ông Nguyễn Quang Lượng nói.

Phá đi một rào cản ngăn ngừa vi phạm - Ảnh 1
Thanh tra GTVT là một trong những "chủ công" xử lý vi phạm của xe kinh doanh vận tải. 

Trên thực tế những năm qua, có rất nhiều loại hình vi phạm mà cả Thanh tra GTVT và CSGT cùng căng sức xử lý như: dừng đỗ sai quy định, xe quá khổ, quá tải, chở quá người, thu quá giá… Với sức mạnh của cả hai lực lượng đã dần đẩy lui những vi phạm này, phát hiện sớm ngay khi xe đang lăn bánh hoặc dừng đỗ trên đường. Nếu phá đi rào cản là thẩm quyền dừng xe kiểm tra của Thanh tra GTVT, vi phạm trong kinh doanh vận tải sẽ có thể diễn biến phức tạp hơn, thậm chí mất kiểm soát.

Bất lực trước tình huống khẩn cấp?

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Việc bãi bỏ thẩm quyền dừng xe của của Thanh tra GTVT cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Một mình lực lượng CSGT vừa phân luồng, điều tiết giao thông, vừa giải quyết tai nạn, vừa tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm của người điều khiển phương tiện, lại vừa xử lý xe kinh doanh vận tải liệu có quá tải hay không?”.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất gây ra UTGT là ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn kém. Vi phạm gây mất trật tự, ATGT diễn ra phổ biến ở khắp nơi, trong đó có phần không nhỏ của xe kinh doanh vận tải. “Dễ hiểu vì sao nhiều DN vận tải ủng hộ giảm bớt lực lượng tuần tra, xử lý “nóng” trên đường, đặc biệt là bãi bỏ thẩm quyền dừng xe của Thanh tra GTVT” - ông Vũ Hoàng Chung nói.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, nếu trong trường hợp khẩn cấp, phát hiện xe chở quá tải, hay nhồi nhét hành khách trên đường mà không được dừng để xử lý, Thanh tra GTVT sẽ phải ứng biến như thế nào(?).

Trường hợp gọi báo CSGT hỗ trợ mà CSGT không đến kịp chẳng lẽ Thanh tra GTVT phải bất lực đứng nhìn xe vi phạm lao qua gây tai nạn, hoặc sập cầu, cống, vỡ nát đường(?).

Ông Nguyễn Quang Lượng phân tích, giả sử một chiếc xe chở quá tải, hoặc nhồi nhét khách, tranh thủ đoạn đường vắng bóng CSGT chạy với tốc độ cao, Thanh tra GTVT phát hiện nhưng phải đợi CSGT đến hỗ trợ, thì khẳng định không bao giờ dừng xe xử lý được mà sẽ vuột mất ngay trong chớp mắt.

“Còn chưa kể nếu chiếc xe bỏ chạy đó gây ra tai nạn, dẫn đến thương vong cho người dân, cả hai lực lượng Thanh tra GTVT và CSGT sẽ phải hối tiếc vì đã không kịp dừng nó lại ngay khi phát hiện” - ông Nguyễn Quang Lượng nói.

Nếu bãi bỏ thẩm quyền dừng xe của Thanh tra GTVT, các đô thị lớn trên cả nước với đặc thù đông dân cư, phương tiện sẽ gặp khó khăn hơn cả. Đơn cử như tại Hà Nội, lực lượng CSGT chỉ khoảng 2.000 cán bộ, chiến sỹ phải đảm nhiệm duy trì trật tự, ATGT cho hơn 8 triệu người, trên 7 triệu phương tiện.

Chỉ riêng việc xoay trần ra với ùn tắc, vi phạm giao thông đã đủ khiến CSGT mệt “bở hơi tai”. Câu chuyện thiếu nhân sự, lực lượng mỏng đã gây khó khăn cho CSGT nhiều năm qua trong công tác xử lý vi phạm. Nếu nay lại thiếu đi sự hỗ trợ từ Thanh tra GTVT, việc bỏ lọt vi phạm của xe kinh doanh vận tải trên đường là khó tránh khỏi.

Thạc sĩ Vĩ Hoàng Chung cho rằng: “Ít nhất trong giai đoạn này, khi hệ thống giám sát, kiểm soát giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ chưa phát triển, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải còn diễn biến phức tạp, không thể bãi bỏ thẩm quyền dừng xe, ngăn chặn, xử lý vi phạm của Thanh tra GTVT”.