Phá tiền lệ “nặng trên, nhẹ dưới”

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 51 cán bộ thanh tra trật tự xây dựng Hà Nội bị kỷ luật trong đó 4 người bị buộc thôi việc liên quan đến buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm là một trong những thông tin “nóng” tuần qua.

Trong khi người dân khấp khởi vui mừng khi công tác xử lý cán bộ sai phạm đang tiến hành rốt ráo hơn thì giới chuyên gia vẫn bày tỏ nhiều quan ngại.
 Công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực.
Thực tế, số người đứng đầu bị xử lý còn quá ít so với số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Những góc khuất về nạn “bảo kê” các công trình xây dựng sai phép, không phép vẫn là điệp khúc “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Có thể nói, để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cần cùng lúc tích hợp nhiều giải pháp. Trong đó, then chốt nhất, cơ quan chức năng phải triệt phá, dẹp nạn bảo kê, chống lưng cho các công trình sai phép, không phép. Minh chứng là nhiều người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp chủ tịch phường, trưởng công an phường, thanh tra xây dựng “nhắm mắt” cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho đến cấp phép xây dựng, bảo kê công trình (nhà, nhà trọ, nhà xưởng...) không bị tháo dỡ. Dư luận vì thế nhiều lần phải đặt câu hỏi, có hay không sự liên kết với thế lực ngầm để thao túng, chia chác lợi ích từ việc bảo kê vi phạm mang lại(!?). Thậm chí có người ví việc dẹp các công trình xây dựng sai phạm như “mèo vờn chuột”, chỉ yên ắng trong thời gian ra quân, sau lại ồ ạt bùng phát.

Trước tình trạng này, Hà Nội đã phát thông điệp mạnh mẽ: Để xảy ra vi phạm nổi cộm trong xây dựng nhưng không xử lý kịp thời, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Cũng trên tinh thần siết trách nhiệm lãnh đạo cơ sở, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã chấp thuận thí điểm thành lập “Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị” thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã tại Hà Nội. Có thể so sánh chưa thật sự chính xác nhưng khi thanh tra xây dựng còn thuộc Sở Xây dựng, chủ tịch quận, huyện, phường, xã rất khó chỉ đạo lực lượng này xử lý công trình sai phạm vào “nửa đêm gà gáy”. Tuy nhiên, một khi quy về một mối, UBND cơ sở sẽ dễ dàng tăng quyền lực quản lý. Nếu như trước đây dư luận nói rằng, trong xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng hình như còn “nhẹ trên - nặng dưới”, thì bây giờ là ngược lại, “nặng trên - nhẹ dưới” - trong khi cấp sở, ngành làm mạnh, thì việc phát hiện, xử lý ở địa phương, cơ sở còn hạn chế, chưa chuyển mạnh. Thuốc đặc trị vi phạm trật tự xây dựng rõ ràng sẽ hiệu quả hơn việc nắm chới với, nửa chừng.

Lúc đó, số lượng cán bộ thanh tra xây dựng bị kỷ luật có thể không dừng lại ở con số 4. Hãy nhìn ở góc độ tích cực nhất bởi công tác siết vi phạm trật tự xây dựng đã chuyển biến tích cực hơn. Đừng sợ thiếu cán bộ giỏi, cái đáng lo là cán bộ không xứng đáng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong một buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội gần đây: “Tôi nói nhiều lần là chẳng thích gì kỷ luật đồng chí của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý”.