Phải giảm sâu lãi suất cho vay mới cứu được nền kinh tế

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/3, trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu các TCTD phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với DN, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra so với lãi suất thời gian trước dịch.

Để giảm lãi suất cho vay tới 2%, thực tế đã có gói tín dụng của HDBank cam kết giảm đến 4,5%, chắc chắn các Ngân hàng thương mại (NHTM) phải hạ mục tiêu lợi nhuận năm 2020 tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, so với lợi nhuận các NH công bố thì phần hy sinh lợi nhuận đó không nhiều.
Chẳng hạn lãnh đạo Vietcombank cho biết thực hiện gói tín dụng hỗ trợ thì NH này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 300 - 400 tỷ đồng, nhưng nếu so với lợi nhuận trước thuế năm 2019 (23.122 tỷ đồng) chỉ chiếm 1,3 - 1,7%.
Không nên kỳ vọng nhiều vào các gói tín dụng hỗ trợ
Trong khi các NH lớn đang tỏ ra tích cực thì các NH thuộc nhóm có lợi nhuận trăm tỷ đồng, do nguồn lực tài chính yếu nên hầu như chưa có động thái nhiều hưởng ứng cam kết gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ DN và người dân. Hiện chỉ mới vài NH như KiênlongBank cam kết giảm lãi suất cho vay tới 3% hỗ trợ khách hàng DN và cá nhân, tương tự Viet CapitaiBank mức giảm là 2,5%. Hai NH này đều chưa công bố quy mô gói tín dụng hỗ trợ là bao nhiêu.
 Giao dịch tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Phải nói ngay rằng cộng đồng DN và người dân đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của NHNN, sự chia sẻ của các NHTM và cũng đang chờ đón sẽ nhanh tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi đó. Kỳ vọng là tất yếu, nhưng mức hiệu nghiệm thực tế của liệu pháp các gói tín dụng hỗ trợ ra sao đang còn phía trước bởi các lý do sau:
Thứ nhất, đây không phải là gói tài khóa dưới dạng “phát chẩn” cứu đói tức thì người dân. Đối tượng hưởng lợi từ các gói tín dụng hỗ trợ chủ yếu là các DN có mức dư nợ thường xuyên đáng kể, khách hàng ưu tiên. Điều này giải thích đơn giản bởi nguồn vốn là giới hạn. Và, không phải “rụp là làm liền” như cách nói của người dân Nam Bộ. Việc giải ngân nguồn vốn từ các gói tín dụng cho dù hỗ trợ vẫn tuân thủ quy chế nghiệp vụ tín dụng nên sẽ có độ trễ nhất định.
Thứ hai, nói là Phó Thống đốc NHNN yêu cầu nhưng việc cam kết đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ là tùy tâm chia sẽ, phụ thuộc khả năng chịu đựng tài chính của mỗi NHTM. Thống đốc NHNN không thể kỷ luật được một Tổng Giám đốc NHTM nào đó vì không cam kết gói tín dụng hỗ trợ, bởi không có văn bản pháp lý từ NHNN. Việc nhiều NH nhỏ chưa tham gia làn sóng cam kết giảm lãi suất cho vay là minh chứng.
Thứ ba, mức độ lan tỏa là chỉ giới hạn trong số DN ưu tiên của từng NH cam kết. Hàng triệu DN nhỏ li ti, hộ kinh doanh dịch vụ, bán lẻ đang bị tác động trực tiếp nặng nề nhất. Đây là thị trường cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Chắc chắn đối tượng này rất ít cơ hội tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ hiện tại đang được các NH triển khai.
Thứ tư, mục tiêu lợi nhuận nên NHTM không thể móc hầu bao nhiều để san sẻ cho khách hàng. Họ hy sinh lợi nhuận không phải hoàn toàn vô tư để chia sẻ với DN mà cứu được DN tức đã cứu họ rồi. Các NH trước mắt sẽ quan tâm xử lý các khoản nợ đến hạn mà DN không có dòng tiền để trả thông qua không chuyển nhóm nợ xấu hơn, gia hạn nợ và cơ cấu thời hạn nợ. Điều này lợi cả đôi đường, DN tạm thời không bị vỡ nợ đe dọa, NH chưa phải trích thêm chi phí dự phòng và không ảnh hưởng tỷ lệ an toàn vốn (CAR).
Thứ năm, ngày 16/3 NHNN đã ban hành nhiều quyết định về hạ lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của NHTM, theo đó hạ lãi suất tiền gửi thời hạn dưới 6 tháng với mức tối đa là 4,75%/năm. Mục tiêu của NHNN là tạo dư địa để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Vì bị khống chế trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, từ 2/4 đến nay nhiều NH đã tăng lãi suất tiết kiệm online các kỳ hạn 6 tháng, từ 6 - 12 tháng và trên 12 tháng ở mức tăng khá cao. Điều này như câu chuyện “ Trống đánh xuôi Kèn thổi ngược” giữa NHNN và NHTM.
Thứ sáu, các gói tín dụng được các NH cam kết hỗ trợ cho DN và người dân ảnh hưởng bởi dịch covid-19 không mang tính bắt buộc nên không có cơ chế pháp lý giám sát. Việc cam kết cũng từ NH và thực hiện cũng do NH. Khách hàng của NH được biết và cũng chỉ biết vậy thôi. Tính hạn chế thực thi là chỗ đó.
Dịch Covid -19 đã diễn ra đã 3 tháng ở Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch. Giả định kịch bản tốt nhất, nước ta sẽ dập được dịch trong tháng 5 đi nữa thì hậu quả vẫn hết sức nặng nề do nền kinh tế có độ mở rộng. Các dãy cung ứng của nền kinh tế chằng chịt, nội địa với nội địa, nội địa với bên ngoài. Các DN và người dân chưa thể khôi phục hoạt đồng bình thường trở lại nếu dịch Covid -19 vẫn chưa được dập tắt cơ bản trên toàn cầu. Do đó, các gói tín dụng hỗ trợ dù quy mô có tăng thêm nữa thì cũng chỉ là liệu pháp tình thế mà thôi.
Giảm sâu mặt bằng lãi suất cho vay mới cứu được nền kinh tế
Từ giới chính trị gia đến các nhà kinh tế thế giới chưa thể đưa ra được kết luận cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra do dịch covid-19 là cuộc khủng hoảng với tên gọi là gì. Nhưng họ đều thống nhất cho rằng mức độ tàn phá của cuộc khủng hoảng này sẽ mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Mức độ rủi ro sẽ cao hơn đối với các quốc gia đang phát triển, đứng ở những mắt xích yếu trong các dãy cung ứng toàn cầu. Đương nhiên trong đó có Việt Nam.
Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) và các NHTW tại châu Âu, châu Á đã đồng loạt cắt giảm lãi suất, thậm chí Fed giảm lãi suất xuống gần 0% (0 - 0,25%) để cứu nền kinh tế. Chính sách tiền tệ chưa thể cứu vãn, Chính phủ các nước còn tung ra những gói tài khóa hàng trăm, nghìn tỷ USD phát không cho người dân, hỗ trợ DN nhỏ và các đối tượng yếu thế khác.
Như đề cập ở trên, NHNN đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành vào ngày 17/3 vừa qua. Tuy vậy thực tế cho thấy, do cơ chế điều hành chính sách tiền tệ thận trọng nên mức lãi suất cắt giảm của NHNN dường như chưa có tác động đáng kể. Nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay của các NH vẫn giữ nguyên ở mức khá cao so với lợi nhuận của DN, trừ lãi suất của các gói tín dụng hỗ trợ DN.
Về lý thuyết, NHNN cắt giảm lãi suất là mở rộng tiền tệ, tức tăng cung tiền sẽ áp lực lên lạm phát. Nhưng cắt giảm lãi suất để chống đỡ suy thoái do dịch Covid-19 rõ ràng áp lực lên lạm phát không nhiều. Do khả năng hấp thụ vốn của DN đang khó khăn và chùng lại, dự báo ít nhất trong năm 2020 nên tăng cung tiền “nóng” khó xảy ra. Tuy nhiên lạm phát chỉ trong vòng kiểm soát khi NHNN khống chế được dòng tiền giá rẻ đổ vào chứng khoán và bất động sản.
Dư địa lạm phát ủng hộ cho NHNN cắt giảm lãi suất là thuyết phục. Xét cả hai nguyên nhân kinh điển của lạm phát là lạm phát do cầu kéo và lạm phát do chi phí tăng. Về cầu, đầu tư và tiêu dùng của cả 3 khu vực là Nhà nước, DN, người dân chỉ cầm chừng. Về chi phí, nhóm nhiên vật liệu đầu vào chủ đạo của DN như xăng dầu, sắt thép, xi măng,… đang giảm và không có tín hiệu tăng lại mạnh, nên lạm phát chi phí đẩy khó xảy ra.
Giảm sâu mặt bằng lãi suất cho vay tức phải giảm sâu lãi suất tiền gửi, vậy người dân có muốn gửi tiền không? Câu trả lời ngay là vẫn gửi mạnh. Đa số người dân không quan tâm thị trường chứng khoán vì rủi ro cao. Thị trường chứng khoán chủ yếu chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và một số nhà đầu tư lướt sóng trong nước. Đa số người dân cũng không đủ khả năng đầu tư bất động sản. Thị trường bất động sản là của giới chủ đầu tư, những người đầu tư lướt sóng kiếm lời hoặc đầu cơ.
Trong điều kiện như vậy, đa số người dân sẽ lựa chọn kênh kiếm lời an toàn là gửi tiền vào ngân hàng. Đương nhiên nguyên lý của thu hút tiền gửi tiết kiệm là lãi suất thực phải dương (lãi suất tiền gửi trừ tỷ lệ lạm phát phải lớn hơn không). Như điều kiện hiện nay, nếu giảm sâu lãi suất tiền gửi xuống khoảng 6%/năm, lạm phát khống chế dưới mức 5% thì lãi suất tiền gửi thực dương là trên 1%/năm.