Phấn đấu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ năm 2030

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có biện pháp thu hút trẻ đến trường, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ năm 2030 là mục tiêu Bộ GD&ĐT đề ra với cấp học mầm non trên cả nước.

Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến trường, lớp toàn quốc đạt 93,1% (Ảnh minh họa)
Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến trường, lớp toàn quốc đạt 93,1% (Ảnh minh họa)

Theo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), trong giai đoạn 2015-2023, Bộ GD&ĐT phối hợp các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng để phát triển giáo dục mầm non (GDMN).

Qua đó, định hướng rõ ràng mục tiêu phát triển, bảo đảm các điều kiện, cơ chế chính sách để thúc đẩy củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở GDMN; Bổ sung cơ sở vật chất, giải quyết khó khăn cho đội ngũ, nhằm từng bước mở rộng khả năng thu nhận và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Các tỉnh, thành phố đã có chính sách phù hợp với tình hình của địa phương đầu tư phát triển GDMN.

Mạng lưới trường lớp mầm non tiếp tục được củng cố, mở rộng và phân bổ đến hầu hết các địa bàn dân cư để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục.

Các địa phương đã quan tâm quy hoạch, mở rộng mạng lưới trường lớp, phù hợp với yêu cầu GDMN. Đồng thời, rà soát quy hoạch đất đai, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non. Đầu tư và huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, đặc biệt là loại hình nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. Đến năm 2023, toàn quốc có 3.224 trường mầm non dân lập, tư thục (tăng 52% so với năm 2015).

Đến năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến trường, lớp toàn quốc đạt 93,1%, tương ứng gần 4,3 triệu trẻ em mẫu giáo.

Ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp đồng bộ về bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và đổi mới. Từ đó, hoàn thiện Chương trình GDMN hướng tới phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được thực hiện có hiệu quả.

Cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2017. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố, 100% đơn vị cấp huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Mục tiêu đến năm 2025 của bậc học mầm non, đó là các địa phương huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình GDMN đạt 95%. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 97% vào năm 2030.

Ngành GD&ĐT phấn đấu có 100% trẻ em mẫu giáo tại các cơ sở GDMN được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN. Phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm đủ định mức số lượng giáo viên lớp mẫu giáo theo quy định. Tỷ lệ giáo viên có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 90% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Bảo đảm tỷ lệ mỗi lớp mẫu giáo có 1 phòng học vào năm 2025. Phấn đấu có 55% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo mức độ I trở lên vào năm 2025 và 60% vào năm 2030…

Đồng thời, thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2024-2028 tại một số tỉnh, thành phố; Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ năm 2030.