Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trong chuyến thị sát chỉnh trị sông Hồng, ngày 9/2/2001. Ảnh: TTXVN |
Đối với tôi, anh Phan Văn Khải vừa là Thủ tướng, vừa là Thủ trưởng trực tiếp chỉ đạo những việc lớn phải làm ở Thủ đô Hà Nội. Anh cũng là người anh đi trước, từng trải nghiệm thực tế và tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý báu khi quản lý TP Hồ Chí Minh.
Anh nói rằng mỗi nơi có cái thuận lợi, khó khăn, có hoàn cảnh cụ thể, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau; điều quan trọng là người quản lý phải nhìn ra được. Bên cạnh đó, đất nước đang trong thời kỳ phát triển, có nhiều thay đổi, một số vấn đề chung ở đâu cũng có. Quản lý xã hội trong bối cảnh việc thì nhiều, điều kiện thực tại lại ít thì quan trọng nhất là người quản lý phải hiểu rõ đối tượng quản lý của mình. Trên cơ sở đó lựa chọn mục tiêu phù hợp để dựng lên được bài toán quản lý.Anh nói vắn tắt mà hàm chứa những kiến thức về tổ chức và quản lý xã hội rất bài bản, thể hiện trình độ và sự từng trải của một nhà quản lý lão luyện. Đối với Hà Nội, khi trao đổi anh nói rất thân tình. Anh bảo: “Hà Nội đất không rộng, người không đông như TP Hồ Chí Minh nhưng công việc tổ chức và quản lý xã hội Hà Nội khó lắm đấy. Hà Nội có hai chủ thể: TP Hà Nội và Thủ đô Hà Nội”. Anh nhắc tôi phải thích nghi với nhiệm vụ của mình sao cho đáp ứng được cả hai chủ thể đó. Anh gợi ý, việc tổ chức lại đô thị là nhu cầu chung mà cả hai chủ thể cùng cần. Vì Hà Nội là TP cổ, trước đây chưa xây dựng được bao nhiêu, lại bị chiến tranh tàn phá; con người và tập quán xã hội thời bao cấp vẫn còn đó, nên bước đầu, muốn thoát ra được, Hà Nội phải có một quy hoạch, chí ít là có tầm nhìn vài ba chục năm. Rồi trong quá trình phát triển sau khi có quy hoạch, tiếp tục bổ sung những gì còn thiếu, cải tạo những chỗ không phù hợp. Anh Khải nhắc: “Đó thực chất là việc tổ chức lại xã hội nên không dễ đâu”.Phải hình thành các nội dung cơ bản xã hội cần có; bố trí dân cư phù hợp với cấu trúc hạ tầng. Theo đó, xây dựng các chính sách để hướng nguồn lực đầu tư vào những nơi quan trọng. Theo cách đó chúng ta mới có một đô thị phát triển hài hòa, vẫn cổ kính mà không kém phần hiện đại, quan trọng hơn nữa là không bao giờ lạc hậu.
Với tôi, những chia sẻ đó đã làm toát lên ý chí của vị Thủ tướng đang mong muốn, đòi hỏi Thủ đô phải có nhận thức đúng, tư duy mạch lạc, làm quy hoạch có bài bản. Nếu làm được đúng như kỳ vọng, chủ thể Hà Nội dù là TP hay Thủ đô, mọi nhu cầu phát triển đều được thực hiện, lại không xung đột với nhau. Người dân dù là công chức, nhà kinh doanh hay thợ thuyền, các cơ quan dù là T.Ư hay địa phương đều biết được không gian nào đáp ứng cho cuộc sống, công việc của mình. Họ có quyền lựa chọn, lại thực hiện được ý đồ quản lý tường minh, đô thị phát triển có trật tự, mọi nhu cầu được đáp ứng, không bị động, không lạc hậu. Theo cách chỉ dẫn của anh, Hà Nội đã tập hợp đội ngũ anh em làm quy hoạch của TP và Bộ Xây dựng, xác lập mục tiêu, cùng với các chuyên gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Mỹ cùng nhau làm việc để cơ bản quy hoạch được Bộ Chính trị cho ý kiến và Chính phủ phê duyệt. Cần nói thêm rằng, sau khi làm xong cơ bản quy hoạch Hà Nội đến năm 2020, Thủ tướng Phan Văn Khải còn dẫn đầu đoàn Chính phủ gồm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và lãnh đạo Hà Nội đi thị sát từ sông Đà đến cửa biển Ba Lạc (Nam Định) để thấy tường tận những gì các chuyên gia quy hoạch phù hợp với thực tế đang triển khai lúc bấy giờ. Một bản quy hoạch mang tư tưởng “Đưa sông Hồng vào giữa lòng Hà Nội”, thực sự là cảm hứng cho những người gắn bó với Hà Nội, trước hết là với Thủ tướng Phan Văn Khải. Tôi từng nói với các chuyên gia nước ngoài, Thủ tướng cũng tham gia làm quy hoạch và đã thuộc lòng quy hoạch Hà Nội. Có thể nói, Thủ tướng Phan Văn Khải chính là điểm tựa đặc biệt của Hà Nội trong suốt những năm đầu tái thiết, thúc đẩy TP đến gần hơn nữa với hình thái đô thị hiện đại, thịnh vượng và phát triển bền vững.