Phân vùng để khai thác, quản lý vỉa hè

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần phải có đủ cơ sở pháp lý cũng như các chỉ dẫn kỹ thuật mới bảo đảm tính pháp lý và hiệu quả trong công tác vỉa hè.

Ngoài việc kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các quy định của luật, Hà Nội cần quy hoạch lại, phân vùng các tuyến phố để làm cơ sở quyết định hình thức khai thác, sử dụng vỉa hè.

Hà Nội có thể lập Đề án quản lý, sử dụng, khai thác, quy hoạch lại vỉa hè theo ba mô hình.

Loại 1 là cấm toàn phần các hoạt động kinh doanh, dừng đỗ xe, dành 100% không gian cho người đi bộ.

Một điểm kinh doanh trên phố Lý Thường Kiệt được sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn
Một điểm kinh doanh trên phố Lý Thường Kiệt được sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn

Loại 2 là cấm một phần, chủ yếu phục vụ người đi bộ. Một số đoạn người dân không thuê vỉa hè thì giao cho họ tự quản không thu phí để xe tạm thời nhưng phải đóng thuế môi trường. Với những đoạn người dân muốn thuê thì cho phép dừng đỗ xe và kinh doanh tạm thời và thu phí cho thuê vỉa hè cùng thuế môi trường.

Loại 3 là mô hình vỉa hè cho thuê để dừng đỗ xe, kinh doanh buôn bán lâu dài, phải trả tiền thuê và thuế môi trường, phí vệ sinh…

Nhưng việc phân loại vỉa hè để khai thác, sử dụng phải có phỏng vấn và thỏa thuận với người dân, đặc biệt là các hộ gia đình có nhà mặt tiền hè phố. Sau khi xác định được mô hình quản lý, sử dụng TP sẽ thiết lập các tiêu chí để phân vùng chi tiết với từng tuyến vỉa hè.

Trên cơ sở điều kiện hiện tại hoàn toàn có thể thiết lập và phân loại vỉa hè trên toàn địa bàn Thủ đô theo 3 cấp gồm: hạng A - vỉa hè tại các tuyến đường đô thị, có chiều rộng trên 5m; hạng B - vỉa hè tại các tuyến đường cấp khu vực, rộng từ 3 - 5m; hạng C - vỉa hè tại các tuyến phố cấp nội bộ, rộng dưới 3m. Nước Mỹ cũng đã áp dụng cách phân loại tương tự như thế này, và với mỗi cấp hạng, vỉa hè được chia thành 1 - 3 vùng chức năng khác nhau.

Vùng 1 giáp mặt đường là vùng trang trí nội thất đô thị với chức năng: trồng cây cỏ; bố trí đèn đường, tín hiệu giao thông, biển chỉ dẫn… chiếm từ 1,5 - 2m vỉa hè. Nó còn có chức năng tạo nên dải an toàn bảo vệ người đi bộ, bố trí chỗ ngồi nghỉ hoặc thoát nước mưa. Một số đô thị tại châu Á và ASEAN sử dụng vùng này để đỗ xe máy, xe đạp tạm thời.

Vùng 2 ở giữa vỉa hè sẽ dành cho người đi bộ, rộng từ 1,5 - 3m, lát đá có độ nhám và gạch dẫn hướng cho người khuyết tật. Với những tuyến đường phố có xe buýt, vùng này còn được sử dụng để lập nhà chờ, điểm dừng. Vùng 3 giáp mặt trước nhà dân còn được gọi là vùng mặt tiền, rộng từ 0,5 - 1m có thể cho phép trưng bày hàng hóa, sản phẩm, phục vụ kinh doanh.

Tuy nhiên khi áp dụng ở nước ta, mà cụ thể với Hà Nội cần xem xét điều chỉnh việc phân vùng, kích thước từng vùng sao cho phù hợp với từng tuyến hè phố. Việc phân loại vỉa hè không chỉ dựa vào kích thước bề rộng, mà trước hết phải căn cứ vào chức năng, nhu cầu sử dụng đối với từng tuyến đường phố.

Bên cạnh đó, TP cần xây dựng chính sách về thuế, phí vỉa hè, các chế tài xử lý vi phạm cụ thể, rõ ràng, tuyên truyền rộng rãi cho người dân được biết và góp ý.

Mặt khác, đối với cấp quận huyện - đơn vị quản lý vỉa hè cần được hướng dẫn cụ thể về các quy định, chính sách để không lúng túng trong công tác. Nhiều trường hợp hiện nay, do cán bộ địa phương thiếu hướng dẫn kỹ thuật nên việc giải quyết, xử lý có phần tuùy tiện, dẫn tới buông lỏng quản lý, không duy trì được trật tự.