Tiếp vụ hàng loạt sai phạm tại chợ Yên, xã Tiền Phong: Huyện Mê Linh cần sớm ban hành kết luận

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập trong công tác quản lý, làm lều lán tạm và tự ý thu phí các tiểu thương kinh doanh ven đường QL 23B của Ban quản lý chợ Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh.

Những ngày gần đây, phóng viên tiếp tục thu thập thông tin và làm rõ thêm nhiều sai phạm khác.
Chợ Yên được UBND xã Tiền Phong và ông Đỗ Đình Chiến ký hợp đồng đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác từ năm 1998. Từ đó đến ngày 31/7/2008, việc quản lý và thu phí phải thực hiện theo quy định về công tác quản lý phát triển chợ của tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng trong thời gian này, ông Chiến thành lập Công ty CP Đầu tư thương mại Chiến Tiến (Công ty Chiến Tiến). Kể từ ngày 1/8/2008, huyện Mê Linh sáp nhập về TP Hà Nội nên chợ Yên, xã Tiền Phong phải điều chỉnh việc quản lý và phát triển chợ theo quy định của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ đó đến nay Công ty Chiến Tiến không xây dựng phương án thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyêt. Ngược lại, còn chỉ đạo Ban quản lý chợ không thu phí theo quy định của UBND TP thể hiện tại Quyết định số 34/2009/QĐ-UBND ngày 9/1/2009 về việc thu phí chợ trên địa bàn TP.

Hàng chục công trình xung quanh chợ Yên vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Cụ thể, bảng thu phí do công ty quy định thu theo đầu con gia súc, mặt hàng (điểm kinh doanh gia súc 1.500 đồng/con/lượt), trong khi Quyết định số 34 của TP yêu cầu thu phí trên diện tích sử dụng để kinh doanh (đối với chợ hạng 3 mức thu phí từ 5.000 - 100.000 đồng/m2/tháng). Không chỉ có vậy, thời gian gần đây công ty còn tự ý thu phí với hàng tỷ đồng của hàng trăm tiểu thương khu vực ngoài chợ.

Trong thời gian khi mới nhận bàn giao 6.306m2 đất để xây dựng chợ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt các hạng mục nhà chợ chính, ki ốt bán hàng và nhà quản lý chợ chỉ được phép xây dựng 1 tầng hoặc làm bằng khung sắt, mái tôn. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thời gian đã có 8 hộ kinh doanh xây nhà 2 tầng kiên cố để ở và làm kho chứa hàng, vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, do cán bộ UBND xã nhiệm kỳ cũ và Công ty Chiến Tiến buông lỏng quản lý nên đã tạo cơ hội cho hàng chục hộ dân chiếm dụng đất ven chợ rồi tự ý xây dựng ki ốt bán hàng, nhiều năm qua không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào với Nhà nước.

Không những vậy, Công ty còn chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong công tác quản lý chợ, không sắp xếp ngành hàng đúng quy định, nhiều hộ bày bán hàng hóa ở dưới lòng đường. Thậm chí, nhiều hộ còn cơi nới thêm diện tích, lắp đặt mái che, mái vẩy, căng, kéo dây điện bừa bãi. Tại chợ hiện nay còn có gần 10 hộ xây dựng nhà 3 - 4 tầng để ở, để hàng hóa, làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Liên quan đến hàng loạt sai phạm của Công ty Chiến Tiến đối với chợ Yên, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Trần Văn Trung đề nghị: UBND huyện cần sớm ban hành kết luận và xử lý dứt điểm những sai phạm mà Công ty Chiến Tiến và Ban quản lý chợ Yên đã gây ra. Bên cạnh đó, chỉ đạo Công an huyện vào cuộc làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trong việc tự ý thu phí của các tiểu thương buôn bán bên ngoài chợ Yên để sớm ổn định tình hình. Mặt khác, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã giải tỏa dứt điểm toàn bộ các hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, lòng đường QL 23B và khu vực đường giao thông dẫn vào cổng chợ để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự xung quanh chợ Yên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần