Phát hiện hơn 100 điểm bất hợp lý trên các tuyến cao tốc

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua khảo sát, Cục CSGT phát hiện 132 bất hợp lý về tổ chức giao thông trên cao tốc, có những mục chưa được khắc phục dẫn đến các vụ tai nạn.

Nguy cơ luôn tiềm tàng

Qua khảo sát toàn bộ 11 tuyến cao tốc, 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn phát hiện 132 bất hợp lý tồn tại. Đơn cử như không có dải phân cách giữa, thiếu dải dừng xe khẩn cấp, tình trạng xuống cấp mặt đường… Đến nay, ngành giao thông đã khắc phục xong 77 mục, 21 mục đang thực hiện và hoàn thành trong năm 2024, 34 mục còn lại chưa thực hiện.

Tại hội thảo “Công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên các tuyến đường cao tốc - Thực trạng và giải pháp” do Cục CSGT (Bộ Công an) và Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp tổ chức, Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục CSGT) thượng tá Lê Quang Hòa cho biết: "Đối với một số tuyến mới đưa vào khai thác và đang khai thác, sử dụng chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn cao tốc, dẫn đến tiềm ẩn tai nạn, ùn tắc, gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện".

Đường chưa đạt chuẩn đã khai thác cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đường chưa đạt chuẩn đã khai thác cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bên cạnh đó, một số tuyến đường trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, hằn lún, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa. Cụ thể như cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên; dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

"Hiện nay, tuyến đường Hà Nội - Lào Cai sau thời gian dài khai thác, thu phí từ năm 2014 đến nay, mặc dù lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đoạn Yên Bái - Lào Cai vẫn chưa tiến hành đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo đúng phê duyệt" - thượng tá Lê Quang Hòa đưa ra ví dụ.

Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, nguy cơ tai nạn giao thông cao hơn. Đồng thời, với những tuyến không có làn dừng khẩn cấp, khi có sự cố, khó xử lý ngay và dễ gây tai nạn liên hoàn, khiến ùn tắc kéo dài.

Thượng tá Lê Quang Hòa cũng đưa ra ví dụ, tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan là hai tuyến tương đương nhau về chủ trương đầu tư và tổ chức giao thông, nhưng tuyến Cam Lộ - La Sơn được công bố là cao tốc còn La Sơn - Túy Loan chỉ là đường đồng bằng cấp 3.

"Nêu ra ví dụ để thấy sự bất hợp lý từ công tác tổ chức giao thông, các tuyến cao tốc phân kỳ chỉ có hai làn, không có dải phân cách cứng, chưa hoàn thành việc xây dựng, chưa đảm bảo các yếu tố an toàn mà đã đưa vào khai thác với tiêu chuẩn đường cao tốc", Thượng tá Lê Quang Hòa nhấn mạnh.

Đầu tư cao tốc tối thiểu 4 làn xe

Tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan là hai tuyến tương đương nhau về chủ trương đầu tư và tổ chức giao thông. Từ đây có thể thấy sự bất hợp lý từ công tác tổ chức giao thông. Các tuyến cao tốc phân kỳ chỉ có hai làn, không có dải phân cách cứng, chưa hoàn thành việc xây dựng, chưa đảm bảo các yếu tố an toàn đã đưa vào khai thác với tiêu chuẩn đường cao tốc.

“Nếu các tuyến cao tốc này chưa đủ điều kiện an toàn thì đơn vị vẫn kiên quyết đề xuất hạ cấp khai thác. Nếu không thể hạ cấp thì phải hạn chế phương tiện đi vào, hay hạn chế tốc độ... đảm bảo yếu tố an toàn cho người tham gia giao thông" - thượng tá Lê Quang Hòa nói.

Hiện nay, cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn một, có 5 dự án cao tốc mới có hai làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình. Nguồn lực đầu tư xây dựng cao tốc vẫn còn hạn chế, nguồn vốn phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Trước nhiều ý kiến về việc xây dựng các tuyến cao tốc phân kỳ chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: "Là đơn vị quản lý, chúng tôi luôn muốn khai thác những tuyến đường có 6 làn xe với đầy đủ tiêu chuẩn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên do nguồn lực còn hạn chế, chúng ta buộc phải phân kỳ đầu tư một số tuyến có lưu lượng chưa cao và chạy qua khu vực có địa hình khó khăn".

Sau thời gian khai thác, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, việc đầu tư các cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng gây nguy cơ cao dẫn tới tai nạn. Đồng thời, các cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục sẽ gây ùn tắc kéo dài khi xảy ra sự cố.

Trong quý I/2024, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc. Các cơ quan chức năng sẽ bố trí nguồn lực sao cho việc xây dựng các tuyến đường cao tốc phải đảm bảo hoàn thiện.

"Khi có quy chuẩn này, chắc chắn sẽ không còn cao tốc 2 làn xe nữa mà đầu tư phải tối thiểu 4 làn xe" - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng nói.