Phát hiện, xử lý 120 cán bộ trong cơ quan chống tham nhũng có sai phạm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 16/8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Kỷ luật trên 200 đảng viên do tham nhũng

Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện TƯ quản lý.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thông tin tại họp báo
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thông tin tại họp báo

Ngành thanh tra, kiểm toán đã tập trung thanh tra, kiểm toán những lực vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 165.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022); kiến nghị xử lý trách nhiệm 784 tập thể, 2.912 cá nhân. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án đã chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII). Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Điểm mới trong nhiệm kỳ này là, thực hiện chủ trương của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 04 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Các địa phương đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can về tội tham nhũng

Công tác PCTNTC trong các cơ quan chức năng PCTNTC và ở địa phương, cơ sở được chỉ đạo đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can về tội tham nhũng (tăng 252 vụ án/989 bị can so với cùng kỳ năm 2022); nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTNTC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.

 

Chủ trương phân loại xử lý người vi phạm.

Tại cuộc họp báo, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết "chùm vụ án" Việt Á xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời tại họp báo. Ảnh VOV.VN
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời tại họp báo. Ảnh VOV.VN

Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi... sẽ xử lý nghiêm khắc.

Nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là những người thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi. Họ không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, chủ yếu vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, vi phạm của họ để lại hậu quả lớn, phải xử lý, nhưng xảy ra trong hoàn cảnh dịch bệnh nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn. “Chủ trương nghiêm khắc nhưng nhân văn này nhằm để đội ngũ y bác sĩ, những người không may bị xử lý sẽ yên tâm công tác”- ông Nguyễn Văn Yên giải thích.

Đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố 111 người trong "chùm" 33 vụ án liên quan Công ty Việt Á. Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra, phấn đấu đến cuối năm kết thúc, điều tra, truy tố xét xử, trong đó có vụ án Việt Á.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm, tại cuộc họp báo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương nghiên cứu ban hành một tiêu chí để phân loại, xử lý. 

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, chủ trương phân loại, xử lý là hết sức cần thiết, vừa nhân văn, nhân ái, nhân tình, vừa rõ đối tượng cần xử lý nghiêm, đối tượng nào cần có chính sách hình sự… Các thành viên cũng đề nghị tiếp tục phát huy ưu điểm, giá trị của các chủ trương này để mở rộng đến các vụ án khác.

Đặc biệt, một số ý kiến của các thành viên đã được Ban Chỉ đạo thông qua đó là giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ chính sách hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự và chính sách hình sự được Đảng và Nhà nước ta quy định ở các văn bản khác. Trên cơ sở đó để đề xuất một chính sách hình sự mới, phù hợp với tình hình hiện nay và những năm tiếp theo. Sau khi thông qua và được Bộ Chính trị thống nhất cho chủ trương, sẽ chuyển sang bước thứ hai là sửa luật về chính sách hình sự.