Phát huy năng lực “thanh bảo kiếm”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2018), một lần nữa tinh thần không ngại va chạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác kiểm tra thời gian qua lại được nhắc đến.

70 năm qua, với nhiều dấu ấn quan trọng, hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp đã đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái; có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.
Ủy ban kiểm tra được ví là "thanh bảo kiếm và lá chắn của Đảng", trên tinh thần lấy phòng ngừa, xây là chính, những năm qua đã thực hiện rất tốt chức trách của mình. Theo phương châm "nói ít, làm nhiều", thận trọng, chắc chắn, không vội vàng, Ủy ban kiểm tra các cấp, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đi vào những lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm, kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm. Đồng thời, làm rõ nhiều vụ việc, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ cương vị cao. Như những con số thống kê đã cho thấy, chỉ từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và hơn 58.000 đảng viên vi phạm, trong đó có 56 cán bộ diện T.Ư quản lý.

Có thể nói rằng, mỗi kết luận được Ủy ban Kiểm tra T.Ư ban ra đều chỉ đích danh từng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có sai phạm và bị kỷ luật, bất kể là ai, về hưu hay đương chức, chức vụ lớn hay nhỏ, diện T.Ư hay địa phương quản lý. Không có vùng cấm, không có khoảng tối, càng không có khái niệm “lĩnh vực nhạy cảm” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mọi sai phạm từ lâu hay vừa xảy ra, bất kể cấp nào, ngành nghề lĩnh vực nào, khi “thanh bảo kiếm” soi tới, mọi việc đều sẽ tỏ tường. Ngay cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm như “công an, quân đội”, “đội mũ” bí mật quốc gia, luôn tưởng chừng “bất khả xâm phạm” nay phát hiện sai phạm đều được xử lý công khai trước toàn Đảng và công bố rộng rãi trước toàn dân.

Chính từ kết quả xử lý hiệu quả và dứt khoát như thế, Nhân dân luôn rất mong chờ các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện công khai, khách quan; hình thức xử lý nghiêm khắc cũng làm cá nhân, tổ chức vi phạm tâm phục, khẩu phục. Kết quả xử lý được thông báo công khai đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Gần đây, T.Ư đã ban hành Quy định 01-QĐ/TW, giao thêm nhiều thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Những thẩm quyền mới này đang góp phần tăng thêm sức mạnh cho “thanh gươm” và “lá chắn” trong công cuộc phòng chống các biểu hiện tiêu cực và suy thoái.

Tuy nhiên, để đáp ứng được đúng với kỳ vọng của người dân vào ngành kiểm tra Đảng như lời Bác Hồ đã nói: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu tốt xấu, đúng sai, hay dở đều lòi ra hết”. Và để phát huy hết năng lực “thanh bảo kiếm”, vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt ở Ủy ban kiểm tra cấp cơ sở. Bởi hiện tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn diễn ra, nhiều vụ việc chỉ sáng tỏ khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra phải chú ý ngay khâu phát hiện sai phạm, thông qua hoạt động giám sát, qua báo chí, qua tố giác của Nhân dân... Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng", "nặng trên, nhẹ dưới"; làm quyết liệt, triệt để; xử lý phải công tâm; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục. Và đặc biệt, các cán bộ làm công tác kiểm tra phải chính trực, liêm khiết. Bởi không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác.