Phát huy tinh thần Cách mạng tháng 8 trong hội nhập và phát triển Thủ đô

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hà Nội, công tác đối ngoại kinh tế, thúc đẩy đầu tư-thương mại sẽ tiếp tục là ưu tiên quan trọng của đối ngoại Thủ đô.

Công tác đối ngoại luôn chủ động và tích cực đồng hành cùng các ngành, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, ông Trần Nghĩa Hòa đã có cuộc trao đổi với Báo Kinh tế&Đô thị về quá trình hội nhập, triển khai công tác đối ngoại thời gian qua của Hà Nội cũng như định hướng hoạt động trong thời gian tới.

 Quang cảnh Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và phát triển" - một trong những họat động xúc tiến, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nổi bật của Hà Nội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác đối ngoại như một trụ cột quan trọng trong phát triển. Xin ông cho biết, Sở Ngoại vụ Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Thủ đô trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2018 như thế nào?

Năm 2018 là năm bản lề phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam, chứng kiến kinh tế thế giới phát triển tích cực, đồng thời tình hình chính trị - an ninh có những diễn biến phức tạp, do đó yêu cầu công tác đối ngoại của các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng cần linh hoạt, chủ động, hiệu quả.

Trước bối cảnh đó, trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết, chương trình của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm đến nay, Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã luôn quyết liệt và chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, ưu tiên triển khai chiến lược đối ngoại toàn diện, kết hợp chặt chẽ các loại hình đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa… Trong đó, Sở Ngoại vụ đóng vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu, triển khai và đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại của TP.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, Lãnh đạo TP đã tiếp và làm việc với 134 đoàn khách quốc tế đến chào xã giao, các tập đoàn kinh tế, trong đó có 3 đoàn khách chính thức sang thăm và làm việc với TP gồm: Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka (Nhật Bản), Phó Thị trưởng thành phố Toulouse (Pháp) và Phó Thị trưởng thành phố Sofia (Bungary). Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức 11 đoàn công tác do lãnh đạo Thành phố dẫn đầu đi thăm và làm việc tại các nước và tham dự các sự kiện đối ngoại, hội nghị đa phương quan trọng như Hội nghị Hội đồng thủ đô các nước ASEAN tại Bangkok, Thái Lan (Tháng 2/2018); Diễn đàn sáng tạo Y tế thế giới năm 2018 và Hội thảo Dell EMC World 2018 tại Hoa Kỳ (Tháng 4/2018); Hội nghị Quản trị thành phố thông minh ASEAN tại Singapore (Tháng 5/2018). Sự tham gia tích cực của thành phố trong các sự kiện trên đã góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói trong khu vực và quốc tế, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm.

Về hợp tác song phương, quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được tăng cường, đóng góp vào công tác đối ngoại chung của cả nước thông qua các chuyến trao đổi đoàn cấp cao giữa Hà Nội và các tỉnh, địa phương trên thế giới.

Về các hoạt động đối ngoại đa phương, TP Hà Nội tiếp tục là thành viên tích cực trong các hoạt động của các tổ chức quốc tế liên đô thị như CityNet, WeGO, C40, Metropolis, AIMF. Bên cạnh đó, Thủ đô tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ ban ngành đảm bảo công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại văn hóa, công tác thông tin đối ngoại và quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài tại địa phương, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, cũng như đối với người Việt Nam ở nước ngoài…

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng,công tác đối ngoại gắn liền với vai trò phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài. Với nhiệm vụ này, công tác đối ngoại của Hà Nội đã triển khai những hoạt động gì trong thời gian qua và đạt kết quả ra sao, thưa ông?

Chúng tôi luôn xác định, đối ngoại kinh tế là một trong những trọng tâm hàng đầu, là kênh “đắc lực” góp phần tạo nên những thành tựu kinh tế-xã hội của Thủ đô cũng như thúc đẩy quá trình phát triển của cả nước.

Như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu chia sẻ về công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài tại Hội nghị ngoại vụ 19, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 30 vừa qua: “Năm 2018 tiếp tục đánh dấu những thành tựu của công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ đô”.

Lũy kế đến hết tháng 6/2018, Hà Nội đã có trên 4.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với vốn đầu tư đăng ký đạt 33.380 triệu USD. Riêng trong 2 năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12.460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút từ 1986 - 2015.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”, TP đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5.428 triệu USD). Với những kết quả này, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI.

Để đạt được những thành tựu đó, thời gian qua Hà Nội đã tổ chức và tham gia nhiều Hội nghị, Diễn đàn quan trọng như Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc và Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản; Tọa đàm về quy hoạch đô thị và TP thông minh với các doanh nghiệp Thụy Điển; Giao lưu xúc tiến với Phái đoàn doanh nghiệp của Vùng Flanders, Vương quốc Bỉ; phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu” nhằm kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa TP Hà Nội, các tỉnh, TP của Việt Nam với các nước Châu Âu.

Sở Ngoại vụ cũng đồng thời tham mưu, kết nối các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo TP với các cơ quan đại diện các nước để tiếp tục xúc tiến các dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 của Hà Nội; dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 của Hà Nội; Dự án Nhà Moscow tại Hà Nội; Chương trình hợp tác Hà Nội - Ile-de-France (Pháp); Giai đoạn 3 Dự án các Thành phố Thế giới của Liên minh Châu Âu…Tích cực kết nối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia kêu gọi hợp tác đầu tư tại Hà Nội, như Tập đoàn NIDEC (Nhật Bản) đầu tư các dự án công nghệ cao; Tập đoàn SUMITOMO (Nhật Bản) đầu tư xây dựng thành phố thông minh; Công ty AEON về Chương trình trồng cây hoa anh đào và Dự án AEON Mall tại Hà Đông… Qua đây, lãnh đạo TP đã giới thiệu những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chính sách thu hút đầu tư của Hà Nội, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cho đến nay, những giá trị từ cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 vẫn được duy trì và phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước. Tinh thần này được ứng dụng như thế nào trong công tác đối ngoại nói chung và các hoạt động của Sở Ngoại vụ nói riêng?

73 năm đã trôi qua, những bài học quý báu về nắm bắt thời cơ, nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, kịp thời quyết định đổi mới, đổi mới tư duy của cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 vẫn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển cũng như hội nhập quốc tế.

Dựa trên những bài học giá trị từ sự kiện lịch sử này cũng như quán triệt các chủ trương và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Thành phố, Sở Ngoại vụ Hà Nội trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu những biến đổi của tình hình khu vực và thế giới, tham mưu tăng cường liên kết với các đối tác quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao các nước để chủ động, kịp thời tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế, tăng cường nâng cao hiệu quả mối quan hệ song phương và đa phương giữa Hà Nội với các Thành phố, tổ chức quốc tế giàu tiềm năng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo đó, từ nay tới cuối năm 2018, Sở Ngoại vụ Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong Kế hoạch hoạt động đối ngoại Thành phố Hà Nội năm 2018, cũng như các chương trình, hoạt động đối ngoại gắn với định hướng hội nhập quốc tế, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, phấn đấu đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm quốc tế và khu vực trên các lĩnh vực có ưu thế và bản sắc riêng như du lịch, văn hóa, thể thao, kiến trúc, thời trang… Kết hợp triệt để đối ngoại chính trị, đối ngoại văn hóa với đối ngoại kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển.

Xin cảm ơn ông!