Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2024):

Phát huy truyền thống để xây dựng Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý thức sâu sắc vai trò, vị trí, trách nhiệm của Thủ đô, trong 94 năm qua (17/3/1930 - 17/3/2024), Đảng bộ TP Hà Nội luôn phát huy truyền thống vẻ vang và gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực trong công tác xây dựng Đảng.

Qua đó, khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại…

Quang cảnh Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU do Thành ủy Hà Nội tổ chức diễn ra 16/8/2023. (Ảnh: Thanh Hải)
Quang cảnh Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU do Thành ủy Hà Nội tổ chức diễn ra 16/8/2023. (Ảnh: Thanh Hải)

Chủ động, bài bản trong triển khai các nhiệm vụ

Đúng vào ngày này cách đây 94 năm (ngày 17/3/1930), tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, đánh dấu mốc lịch sử về sự ra đời của Đảng bộ đầu tiên trong cả nước.

Nhìn lại chặng đường 94 năm qua (17/3/1930 - 17/3/2024), nhất là trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội (2020-2025) có thể thấy, Đảng bộ TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hoàn thành khối lượng công việc lớn với kết quả tích cực. Theo đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã thể hiện quyết tâm cao xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Xác định công tác xây dựng Đảng là khâu “then chốt” của “then chốt” với một Đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất cả nước (trên 48 vạn đảng viên, chiếm gần 9% tổng số đảng viên cả nước), Thành ủy, các cấp ủy Đảng TP Hà Nội luôn thể hiện quyết tâm cao xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Quyết tâm này được thể hiện rõ trước ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội (2020-2025) với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Đảng một cách đồng bộ, thống nhất, toàn diện, căn cơ, bài bản, khoa học.

Theo đó, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII đã chủ động, sớm cụ thể hóa, xây dựng và ban hành 10 Chương trình công tác toàn diện trên các lĩnh vực (tăng 2 chương trình so với nhiệm kỳ Đại hội XVI). Trong đó, Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025". Đây được coi là chương trình cốt lõi, xương sống với quyết tâm cao là xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Để cụ thể hoá chương trình cốt lõi này Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đã ban hành, triển khai 777 đề án, kế hoạch, nghị quyết, chuyên đề thực hiện.

Bên cạnh đó, Thành uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị TP đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Lựa chọn trúng và đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cơ bản đến nay, Thành ủy đã chỉ đạo, thực hiện xong việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền theo quy định và đi vào hoạt động ổn định.

 

Ngày 19/2/2024, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Điều này cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang nỗ lực để khơi nguồn năng lực nội sinh quan trọng nhất là văn hóa và trí tuệ để phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.

Ngoài ra, Thành ủy chỉ đạo quyết liệt xây dựng, triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, CCTTHC một cách bài bản, khoa học. Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền 136 nhiệm vụ quản lý Nhà nước; thực hiện ủy quyền đối với 708 TTHC (đạt tỷ lệ 39,17% tổng số TTHC cấp TP và cấp huyện) và chiếm 45,6% tổng số TTHC cấp TP. Việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, rút ngắn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN.

Thành ủy Hà Nội cũng đã tập trung xây dựng các đề án, quy định về quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên; công tác kết nạp, quản lý đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ TP đã kết nạp được trên 40.170 đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP đề ra. Còn đối với việc tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2020-2025, TP hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm. Toàn TP thành lập 221 tổ chức đảng với 1.845 đảng viên và kết nạp 15 chủ DN vào Đảng; thành lập 1.731 tổ chức đoàn thể với 109.624 đoàn viên, hội viên. Hoàn thành việc thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp của 30/30 quận, huyện, thị ủy.

Đáng chú ý, năm 2023 vừa qua là năm mà Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Đảng. Hai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” được triển khai rộng khắp trong toàn Đảng bộ. Hiện có 435.783 đảng viên của TP cài đặt thành công “Sổ tay đảng viên điện tử”, kết nối mạng diện rộng của Đảng đến 579/579 đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Công tác kiểm tra, giám sát thực sự là đòn bẩy siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy tổ chức Đảng và trách nhiệm cán bộ, đảng viên. Điểm nhấn trong năm qua là Thành ủy Hà Nội tiếp tục gương mẫu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là cấp ủy đầu tiên cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương về khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm với việc ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội" cùng với 25 biểu hiện cụ thể nhận diện rõ tình trạng này.

Chỉ thị số 24-CT/TU đã trở thành chủ đề sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, là cơ sở để tổ chức Đảng và đảng viên kiểm điểm, tự phê bình, phê bình. Tạo ra bước chuyển đột phá về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong giải quyết công việc của hệ thống chính trị gắn với quy chế làm việc, đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng, xử lý kỷ luật... Nhờ đó, trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều địa phương giảm, năm 2023, GRDP của Hà Nội tăng 6,27%; thu ngân sách đạt trên 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 92%, cao nhất cả nước…

Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)
Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)

Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, ở từng giai đoạn, Đảng bộ TP Hà Nội luôn đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp thực tiễn Thủ đô và tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đã đề ra. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên đều chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân; tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để có được những kết quả toàn diện đó, TP rút ra 4 bài học kinh nghiệm đó là: Một là, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của Đảng bộ, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hai là, luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của Thủ đô. Chủ động, tích cực tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh, thành bạn. Sớm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP thành các chương trình, đề án, kế hoạch công tác phù hợp với điều kiện của Đảng bộ để tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện.

Ba là, luôn quán triệt, coi trọng công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là nhân tố hàng đầu quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Bốn là, đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo, quan tâm lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo, điều hành với tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy mạnh mẽ dân chủ ở cơ sở; tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

 

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" (từ 2017-2022), TP đã củng cố xong 251/277 TCCSĐ do Ban Chỉ đạo TP theo dõi, 90/103 TCCSĐ do cấp ủy cấp trên cơ sở theo dõi. Tính riêng 2021-2022, TP đã củng cố được 58 TCCSĐ và đến nay đã rà soát còn 48 TCCSĐ cần củng cố.

Phát huy truyền thống và để xây dựng Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thời gian tới, TP sẽ thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội XVIII Đảng bộ TP và Đại hội XIV của Đảng.

Ngoài ra, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nội chính; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng thích ứng với mô hình tổ chức mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các hội quần chúng xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân.