Phát triển bền vững là xu thế tất yếu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng dự và có phát biểu chỉ đạo.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhận định, phát triển bền vững là xu thế tất yếu vì thế giới hoà bình thịnh vượng. Trong thực hiện cam kết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động, lồng ghép vào các Nghị quyết, chương trình hành động mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là thách thức lớn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, để tiếp tục tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị. Ảnh Khắc Kiên
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Năm 2017, dân số Việt Nam hơn 93 triệu người, xếp thứ 14 trên thế giới. Quy mô nền kinh tế khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới, với thu nhập trên đầu người trên 2300 USD, xếp thứ 134 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%; cao nhất trong 10 năm gần đây. Năm 2016, Chỉ số HDI xếp thứ 115/188 quốc gia và GINI đạt 0,43. Các xếp hạng về Năng lực cạnh tranh, Năng lực đổi mới sáng tạo và Chính phủ điện tử đều có cải thiện đáng kể về điểm số.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho hay, vẫn có những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Cụ thể, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và các hiện tượng thiên tai bất thường. Nhu cầu tài chính cho thực hiện các SDG là rất lớn trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế. Sức ép chung đối với các nước đang phát triển: tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế mà chưa có sự chú trọng đúng mực đối với các vấn đề về môi trường và xã hội. Hậu quả là tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị suy thoái, gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập và những thách thức khác trong xã hội đỏi hỏi cần nhiều nguồn lực và thời gian để giải quyết; Hòa bình, ổn định là xu thế chung nhưng trên thế giới vẫn còn nảy sinh nhiều xung đột; Bảo hộ thương mại đặt ra những thách thức lớn đối với việc ổn định thương mạ ttoàn cầu nói chung và xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng.
Trước đó, tại phiên họp mở diễn ra sáng ngày 5/7, Hội nghị đã tập trung thảo luận về các nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay: Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế mới của thế giới, nơi không có khái niệm chất thải và mọi nguồn lực đều được tận dụng triệt để và hiệu quả; tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 - khi trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tự động hóa lên ngôi thì vai trò của Chính phủ và khu vực tư là gì để đảm bảo công ăn việc làm cho mỗi người dân…