Phát triển chuỗi nông sản: Doanh nghiệp đóng vai trò cốt lõi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nhập thị trường quốc tế, việc tăng cường liên kết, phát triển các chuỗi giá trị nông sản có lợi thế mang ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, mà còn giúp cải thiện đời sống cho hàng triệu nông dân.

Hiện các cơ chế, chính sách và khung pháp lý đã ngày càng được hoàn thiện, thu hút và tạo động lực để các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều DN đã trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản, tạo động lực phát triển cho vùng, địa phương.
Chuỗi nông sản chỉ chiếm 12%
Thống kê đến nay, tổng số DN trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 7.600 DN, chiếm chưa tới 1% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Nếu tính cả các DN đầu tư kinh doanh nông nghiệp, con số này vào khoảng 49.600 DN, nhưng cũng chỉ chiếm 8% tổng số DN. Không chỉ vậy, có đến 92% số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là các DN nhỏ và siêu nhỏ.
 Thông qua liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ, nông sản an toàn đã có mặt ngày một nhiều trên thị trường bán lẻ. Ảnh: Phạm Hùng
Đến nay, cả nước mới xây dựng và phát triển được 1.028 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Riêng tại TP Hà Nội, con số này đang dừng ở 131 chuỗi. Dù vậy, những mô hình liên kết với sự tham gia của các DN còn khá hạn chế. Các chuỗi vẫn chủ yếu được phát triển bởi các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và cá nhân.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thẳng thắn nhìn nhận, dù tính liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi liên kết nông sản đã có tiến triển, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế hiện nay, mới chỉ có khoảng 12% sản lượng nông nghiệp được tiêu thụ thông qua liên kết chuỗi.
Gỡ khó cho DN tham gia chuỗi
Không thể phủ nhận nền nông nghiệp nước ta hiện vẫn do kinh tế hộ làm chủ đạo. Năng suất, chất lượng nông sản thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Năng lực liên kết, hợp tác, phát triển chuỗi giá trị của các DN nông nghiệp còn rất hạn chế. Mối liên kết giữa DN và nông dân, hay các tổ chức kinh tế mà nông dân tham gia như tổ hợp tác, HTX còn thiếu bền vững… Đây là những lý do khiến số DN, tổ hợp tác, HTX tham gia chuỗi liên kết nông sản vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Để phát triển được các chuỗi giá trị nông sản hướng tới xuất khẩu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Lê Xuân Trung cho rằng, UBND các tỉnh, TP cần nêu cao hơn nữa vai trò giám sát và hỗ trợ chặt chẽ để người nông dân có cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị nông sản; đồng thời có bảo hiểm rủi ro cho người tham gia chuỗi. Ông Trung cũng nhấn mạnh: Muốn liên kết chuỗi thành công thì phải có tổ chức. Ở đó, lãnh đạo các địa phương phải đóng vai trò “cầu nối”, chứ “Một DN không thể đi làm việc với hàng trăm hộ dân để tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản”.
Ở một khía cạnh liên quan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đánh giá, muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh, có sức cạnh tranh cao trong giai đoạn mới, rất cần vai trò hạt nhân của các DN, tổ hợp tác, HTX. Chính vì vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân yên tâm phát triển sản xuất lớn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX gắn với chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực, có lợi thế.
Bên cạnh những thách thức đặt ra đối với phát triển chuỗi nông sản hướng tới hội nhập, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, các DN cũng có nhiều cơ hội từ việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… Điều quan trọng, theo ông Tuấn, là các địa phương cần tích cực hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, trên cơ sở thúc đẩy các chuỗi liên kết nông sản bảo đảm an toàn và tiêu chuẩn quốc tế.

"Quy mô sản xuất nông nghiệp hiện còn nhỏ lẻ, manh mún nên quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn của DN gặp nhiều khó khăn. Thực tế, DN chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với những quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau. Do đó, các địa phương cần chủ động tổ chức lại các tổ hợp tác, HTX để làm đầu mối kết nối với các DN hình thành chuỗi liên kết, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. " - Giám đốc Công ty CP Tiên Viên Đặng Đình Tiên