Bên cạnh những thế mạnh, làng nghề truyền thống của Hà Nội cũng tiểm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đã và đang là trở ngại không nhỏ trên hành trình hội nhập và phát triển. Để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội như một nguồn vốn văn hóa, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.
Bài 1: Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Làng nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Trong các làng nghề nói chung, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, một trong sáu lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà TP ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Nhận diện nguồn lực
Đối với bất cứ ngành nghề nào, con người là yếu tố then chốt và quyết định. Đối với các ngành đòi hỏi nhiều sự đổi mới sáng tạo, khiếu thẩm mỹ, cảm hứng nghệ thuật như thủ công mỹ nghệ thì yếu tố con người càng đóng vai trò quan trọng.
Hà Nội có lợi thế lớn ở việc sở hữu một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân, thợ thủ công chăm chỉ, tài khéo và năng động. Theo thống kê chính thức, Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân đông đảo nhất, chiếm 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, gồm: sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan...
Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nhân, 164 hợp tác xã, có trên 176.000 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút trên 739.000 người lao động.
Đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công ở Hà Nội đa phần đều tài hoa, có năng khiếu, hậu duệ của nhiều dòng họ làm nghề lâu đời, vừa được trao truyền những kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp của các thế hệ đi trước, vừa rất năng động, sáng tạo trong đón nhận, tiếp thu cái mới, thành tựu khoa học - công nghệ.
Nhờ thế mạnh của nguồn lực con người, những năm qua, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất với doanh số chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Ngoài ra là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc. Sản phẩm gốm sứ, đồ mộc được tiêu thụ với khối lượng ngày càng lớn ở Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Nhật, còn sản phẩm khảm trai, ốc, mây tre đan được tiêu thụ rộng khắp ở châu Âu...
Cùng với yếu tố con người, cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của ngành.
Hà Nội có lợi thế là sở hữu một hạ tầng vật chất vững chắc, được xây dựng và củng cố trong suốt thời gian dài tại hàng trăm làng nghề trên toàn TP. Trước đây, Hà Nội từng nổi tiếng với 36 phố nghề và nhiều làng nghề ở các vùng ngoại ô, số lượng làng nghề lại càng tăng lên sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008.
Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống, chiếm 45% tổng số làng nghề của cả nước với nhiều làng nghề nổi tiếng như: lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động và sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên) cùng hàng loạt làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren...
Việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Thông qua bản sắc, thương hiệu đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội trên trường quốc tế, Thủ đô nghìn năm văn hiến, TP Vì hòa bình, TP sáng tạo. Vì thế, việc khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển TP Hà Nội bền vững là hết sức quan trọng.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong
Đa số các làng nghề đều tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm, trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng, làng nghề đồ mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Quảng bá tinh hoa làng nghề
Các làng nghề thường là những làng văn hóa cổ với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng như làng dao kéo Ða Sĩ có rất nhiều người đỗ đạt trong đó có danh y Hoàng Ðôn Hòa nổi tiếng. Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời nhất về nghề dệt) hiện nay đã hình thành một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện.
Làng Bát Tràng có 25 tiến sĩ trong đó có một trạng nguyên, hiện nay làng vẫn giữ được Văn chỉ ghi danh những người đỗ đạt, đình làng thường xuyên trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Làng gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm, sứ độc đáo mà còn bảo tồn được có cả một quần thể kiến trúc giá trị như Đình Bát Tràng - nơi còn lưu giữ được 44 đạo sắc phong của các đời Lê, Tây Sơn và Nguyễn, Văn chỉ Bát Tràng, chùa Kim Trúc…
Khách du lịch đến với làng nghề Hà Nội không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, mang đậm tính dân tộc mà còn bởi cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch giúp giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm làng nghề, xuất khẩu trực tiếp, cũng như quảng bá nét đẹp văn hóa các làng nghề của Hà Nội. Thời gian qua, một số làng nghề đã thực hiện khá tốt việc gắn sản xuất với du lịch, như làng nghề gốm Bát Tràng, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc, nghề mây tre giang đan ở Phú Vinh... cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh...
Cụ thể, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, hướng tới trở thành làng nghề kiểu mẫu của Thủ đô. Bát Tràng hiện là một trong hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm.
Đối với làng lụa Vạn Phúc, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước.Ngoài ứng dụng công nghệ vào quảng bá sản phẩm thì việc kể câu chuyện văn hóa làng nghề cho du khách cũng là cách làm hay, sáng tạo.
Cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) đã tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề "Kết nối di sản phát triển du lịch", các địa phương, đơn vị tham gia đã chào hàng nhiều tour mới, trong đó ấn tượng là tour Hoàng thành Thăng Long - Bát Tràng.
Thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của TP, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hiện đang mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng thủ công để Thủ đô tập trung phát triển trong những năm tới. Thậm chí, thủ công mỹ nghệ còn được kỳ vọng là ngành “tạo cảm hứng”, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.
Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - GS.TS Từ Thị Loan
Sau khi tham quan Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu các cổ vật nghìn năm, du khách được lên xe buýt hai tầng, đi qua nhiều con phố nổi tiếng củaHà Nội tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Việc kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long và các làng nghề là điều nhiều nhà khoa học đề xuất từ lâu và nay chính thức được hiện thực hóa. Đây cũng là cách chúng ta kể câu chuyện làng nghề, câu chuyện văn hóa cho các du khách, để mỗi du khách khi đến với Hà Nội càng thêm yêu hơn và muốn quay lại nhiều hơn.
(còn nữa)