Phát triển Đảng tại các Doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Khẳng định vai trò, phát huy hiệu quả

TS Nguyễn Việt Xô - Bí thư Đảng ủy Khối DN Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU ngày 27/02/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn từ nay đến 2020”, trong những năm qua Đảng bộ Khối DN Hà Nội thường xuyên quan tâm và nâng cao chất lượng công tác phát triển các tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), đảng viên, nhất là tại các DN ngoài khu vực Nhà nước.

Từng bước xác lập các tổ chức Đảng trong DN
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết, Đảng ủy Khối đã tổ chức phổ biến cho lãnh đạo DN hiểu rõ tầm quan trọng của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị trong DN để tuyên truyền vận động thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị. Sau đó, quán triệt nội dung Nghị quyết cho Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy của các chi, Đảng bộ cơ sở và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trực thuộc Khối trước khi quán triệt đến đảng viên và các tổ chức chính trị xã hội. Điều này giúp cho đảng viên, đoàn viên, hội viên nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu để xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN. Nhờ đó, trong 5 năm (2012 – 2016), Đảng ủy Khối DN Hà Nội đều thực hiện vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội giao. Gần đây nhất, năm 2016 đã thành lập 8/6 tổ chức Đảng, vượt 133%. Giai đoạn này, toàn Đảng bộ cũng đã kết nạp được 577 đảng viên mới, trong đó có 2 quần chúng là Chủ DN tư nhân đảng viên. Sau khi thành lập, đa số các TCCSĐ đã đi vào hoạt động nền nếp, từng bước xác lập vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lãnh đạo động viên đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng DN ổn định và phát triển.

Quang cảnh hội thảo chuyên đề  Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp.  Ảnh: Quốc Toản

Bên cạnh đó, các cấp ủy cũng tích cực tham gia cùng với hội đồng quản trị, Giám đốc đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp và người lao động hoạt động sản xuất, kinh doanh theo pháp luật; Xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh. Sự hiệu quả này đã giúp cho các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng thuộc Đảng bộ Khối bước đầu đã xác lập được vai trò của mình trong quá trình xây dựng, ổn định và phát triển của DN, làm cho nhiều chủ DN thay đổi về nhận thức thấy được sự cần thiết, một động lực quan trọng trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, từ đó có thái độ ủng hộ tích cực việc ra đời và hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể Nhân dân, kết nạp đảng viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước.

Và những bài học rút ra

Từ thực tiễn, Đảng bộ Khối DN Hà Nội cho rằng, việc thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước là một đòi hỏi khách quan, cần thiết trong quá trình phát triển đa dạng hóa các thành phần kinh tế. Song cần tránh khuynh hướng nhận thức coi việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể như là hình thức tạo dựng “thương hiệu” cho DN tránh bệnh hình thức.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn phải tỉ mỉ, cụ thể, thiết thực vận dụng hình thức sinh hoạt phù hợp, phải “mẫu hóa”, “đơn giản hóa” công tác báo cáo định kỳ và các nghiệp vụ công tác chuyên môn phù hợp với điều kiện kiêm nhiệm của đội ngũ cấp ủy và cán bộ làm công tác đoàn thể.

Đối với các tổ chức Đảng mà chủ DN là đảng viên thì việc chủ DN tham gia Bí thư cấp ủy hoặc cấp ủy viên là vấn đề rất quan trọng, nếu có sự đồng nhất giữa lãnh đạo cấp ủy với lãnh đạo, tạo cho chủ DN có nhận thức đúng, quan tâm đến công tác Đảng và công tác đoàn thể; tạo điều kiện để tổ chức Đảng hoạt động thuận lợi phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong DN.

Trong các DN mà chủ DN chưa phải đảng viên thì cấp ủy, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị xã hội phải có kế hoạch, chương trình hoạt động thiết thực cụ thể và hiệu quả, góp phần xây dựng phát triển DN; Phải làm tốt chức năng là đầu mối phối hợp với chủ DN giải quyết các tranh chấp vướng mắc về quyền lợi, trách nhiệm với người lao động một cách thỏa đáng, đúng pháp luật tạo cho chủ DN thấy được vai trò cần thiết của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đối với sự phát triển để có sự thay đổi về nhận thức, ủng hộ chủ trương thành lập và tạo điều kiện cho hoạt động tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN vững mạnh.

Việc kết nạp chủ DN là nhiệm vụ hết sức cần thiết hiện nay, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội, cho nên cấp ủy trong các DN cần có kế hoạch vận động, thuyết phục, giáo dục và hình thức bồi dưỡng thích hợp để sớm kết nạp chủ DN vào Đảng nhằm nâng cao vị thế, tăng cường năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần