Hà Nội giữ vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, hệ thống cung ứng dịch vụ logistics lại khá rời rạc và sơ khai. Theo thống kê của Cục Quản lý kinh doanh, Bộ KH&ĐT, hiện Hà Nội có khoảng 25.000 DN đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực logistics; nhưng thực tế chỉ có hơn 5.400 DN hoạt động chính thức, 80% trong số đó là DN tư nhân nên hạn chế về vốn, nhân lực và công nghệ. Hơn nữa, DN logistics chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh đơn giản như: Làm thủ tục hải quan; cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... mà thiếu hẳn những loại hình có thể cung cấp giá trị gia tăng cho chính DN.
|
Doanh nghiệp Hà Nội thực hiện logistics cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ảnh: Lê Nam |
Thực tế cho thấy mặc dù giữ vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước nhưng Hà Nội lại chưa hình thành trung tâm logistics. Đơn cử, với các kho bãi tập kết hàng, hầu hết đều có quy mô đầu tư đơn giản, thiếu liên kết. Ngoài các kho bãi thường, trên địa bàn Hà Nội đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, tuy nhiên phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Hệ thống giao thông phục vụ các cảng này mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy. Giám đốc Công ty Delta International Trần Đức Nghĩa nêu quan điểm: Vận tải liên tỉnh từ các tỉnh đến Hà Nội có khối lượng lớn, tuy nhiên giao hàng chặng cuối đang là nút thắt logistics của Hà Nội. Nguyên nhân do hạ tầng giao thông còn hạn chế dẫn đến vận tải chậm, kém hiệu quả và khối lượng nhỏ.
Cần chính sách đồng bộĐể Hà Nội phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước đòi hỏi UBND TP Hà Nội cần có chính sách cụ thể về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô.
Tại Hội thảo Giải pháp đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logictics của cả nước do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa tổ chức, các DN logistics có chung ý kiến: Hiện Hà Nội có các trung tâm phân phối với hàng trăm chợ, trung tâm siêu thị… do đó việc thành lập trung tâm logistics quốc gia là cần thiết, góp phần giảm chi phí. Phó Giám đốc Công ty CP Hateco Logistics Nguyễn Văn Đức đề nghị: Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, UBND TP cần quan tâm đến 3 nhóm giải pháp: Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách.
Liên quan đến mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trung tâm dịch vụ logictics Việt Nam, Cố vấn cao cấp Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Tương kiến nghị: Hà Nội cần có chính sách cụ thể hóa luật pháp và quyết định của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng và các trung tâm dịch vụ logistics thông qua dành quỹ đất, ưu đãi về thuế thu nhập và thuế thiết bị... cho DN đầu tư dịch vụ logistics. “Nhằm giải quyết ách tắc giao thông nên xây dựng các trung tâm tập kết hàng khu vực ngoại thành, sau đó dùng xe tải nhỏ đưa hàng vào nội thành” - ông Nguyễn Tương đề xuất.
"Vị trí của Hà Nội trong bản đồ logistics của cả nước là rất quan trọng nhưng hiện Hà Nội mới chỉ có một trung tâm logistics hạng 1 và một trung tâm logistics hạng 2 là chưa đủ. Về số lượng phải nhiều hơn, quy mô lớn hơn và trình độ công nghệ phải hiện đại hơn… Làm thế nào để Hà Nội phát huy đầu tàu trong liên kết vùng, xứng đáng là trung tâm kinh tế của đất nước, đây là bài toán đặt ra cho Hà Nội và các cơ quan liên quan." - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải
"TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 dịch vụ logistics sẽ đóng góp từ 9 - 11% tỷ trọng GRDP; tốc độ tăng trưởng từ 17 - 21%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14 - 17% GRDP của TP. Đưa vào hoạt động 2 trung tâm logistics; 2 cảng cạn ICD; 1 cảng thủy container quốc tế; 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng. Việc TP phê duyệt và thực hiện đề án, cùng những chính sách hỗ trợ, xây dựng chiến lược phát triển logistics đồng bộ và toàn diện sẽ là yếu tố quan trọng để ngành logistics của Hà Nội phát triển bền vững." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải |
Để thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án "Quản lý và phát triển hoạt động logictics trên địa bàn TP đến năm 2025". Theo đó, TP sẽ tập trung cải tạo, mở rộng các tuyến đường hướng tâm hiện tại thành đường có 4-6 làn xe cơ giới; Xây dựng các tuyến đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đường vành đai. Với đường thủy, cải tạo các tuyến đường sông kết nối với các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt…; Tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả các điểm thông quan tập trung theo Đề án “Địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn TP Hà Nội” đã được phê duyệt…
Ý kiến của các DN, chuyên gia logistics cho thấy để Hà Nội trở thành một trong những trung tâm logistics của cả nước và khu vực UBND TP Hà Nội cần sớm đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đồng thời có biện pháp quản lý, hỗ trợ DN dịch vụ logistics, khuyến khích DN mở rộng đầu tư vào mạng lưới, dịch vụ cả về chiều rộng và chiều sâu.