Phát triển đô thị theo xu thế mới: Cân đối giữa nhà ở xã hội và nhà thu nhập cao

TS. KTS Hoàng Hữu Phê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đô thị Việt Nam đã có sự phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Điểm nổi bật trong quá trình mở rộng đô thị Việt Nam là sự phát triển mạnh mẽ của hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Phối cảnh đô thị vệ tinh Nhật Tân - Nội Bài.
Đón xu thế mới 
Trước thập niên 90, nhà ở được coi như một dịch vụ xã hội, chủ yếu phục vụ cho công nhân và cán bộ công - viên chức Nhà nước, dựa trên nhu cầu về diện tích và năng suất lao động. Nhưng số người nhận nhà của Nhà nước không vượt qua 30% số cán bộ công nhân viên chức tại đô thị. Trong nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, một chính sách mới của Nhà nước được thực hiện, đó là “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Nhà nước đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế và đầu tư hạ tầng vào các khu ở hiện trạng, trong khi người dân lo việc xây dựng và nâng cấp nhà ở của mình. Từ năm 1996 đến đầu thập niên 2000, nhà ở được phát triển trên cơ sở những dự án lớn, phát triển các khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ, được giao cho các tổng công ty Nhà nước thực hiện.

Từ đầu những năm 2000 đến nay, thị trường nhà ở tại Hà Nội đã có sự chuyển đổi quan trọng và là nền tảng cho ngành BĐS phát triển nở rộ; giúp cho người dân có nhiều lựa chọn và cung cấp nhiều tiện ích cho ngôi nhà theo nhu cầu số hóa ngày càng sâu rộng của toàn cầu. Từ chỗ, nhà ở gần như được khống chế hoàn toàn bởi người bán, giờ chuyển sang phụ thuộc vào lựa chọn của người mua.

Quan điểm của người dân nói chung và người dân Thủ đô nói riêng về nhà ở đã có sự biến đổi sâu sắc. Đối với những người có thu nhập thấp, nhà ở thực hiện đúng chức năng để ở. Còn những người có thu nhập cao, nhà ở là biểu tượng của vị thế xã hội, từ đó đã dẫn đến sự phân khúc rõ nét trong thị trường nhà ở.

Con người trong đô thị cũng có xu thế mới trong phong cách sống, đó là từ việc lựa chọn nhà ở phân tán thấp tầng sang môi trường nhà ở cao tầng, đa năng. Kéo theo đó là xu thế mới trong phát triển đô thị từ cấu trúc đơn cực sang cấu trúc đa cực, Thủ đô trước đây vốn chỉ có Hoàn Kiếm là trung tâm, đến nay đã và đang được mở rộng ra nhiều khu vực vệ tinh, đặc biệt đó là Đồ án xây dựng 5 TP vệ tinh trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, một loạt xu thế mới như dịch vụ tiện ích của các đô thị vệ tinh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật – giao thông, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động tích cực đến thị trường BĐS của Thủ đô trong thời gian gần đây.

Giải pháp cân bằng

Với vai trò, vị thế là Thủ đô, Hà Nội tiếp tục trở thành nơi thu hút người nhập cư. Từ đó, sự phân mảng của các phân khúc nhà ở theo thu nhập và nhóm nghề nghiệp sẽ giúp cho thị trường BĐS đa dạng hơn và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về tiện ích thông minh của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình này lại dẫn đến một “khoảng trống” lớn trong việc cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở dành cho nhóm thu nhập thấp với nhà ở thu nhập cao, mức lợi nhuận đã liên tục kéo lệch sự cân đối này sang khu vực thu nhập cao.

Để giữ cân đối được sự chênh lệch trong vấn đề này, trước hết phải thông qua các chính sách xã hội an toàn, minh bạch và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chất lượng thiết kế và thi công các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Những dự án này bản thân đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của chính quyền từ mọi khía cạnh.

Hiện nay, Hà Nội tiếp tục bùng phát những dự án nhà ở cao tầng được xây dựng trên hình thức là các công trình hỗn hợp: Nhà ở - thương mại – dịch vụ. Ngoài việc phải siết chặt công tác quy hoạch – quản lý, các công trình cần phải được đáp ứng được những yếu tố sau: Thứ nhất, xanh hóa môi trường nhà ở. Đây được coi là một trào lưu tất yếu, nhưng việc đầu tư yếu tố này sẽ làm tăng giá thành, nên cần phải có sự hỗ trợ, đặc biệt về vốn để có thể thực hiện hiệu quả trong cộng đồng thu nhập thấp, để mọi người dân đều được hưởng những tiện ích tốt nhất của xã hội. Thứ hai, khuyến khích giao tiếp trực tiếp, tạo điều kiện cho người đi bộ và mở rộng công viên. Đây là một yếu tố tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là ở các khu đô thị mới. Thứ ba, mở rộng và sử dụng các không gian ngầm. Hà Nội cần phải nhanh chóng nắm bắt và triển khai xu thế mới trong việc sử dụng phần ngầm của TP với các chức năng khác nhau, tạo thành đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Quá trình toàn cầu hóa hiện nay tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ về vị trí các nền kinh tế đang phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hà Nội đang chịu sức ép là một trong hai đô thị với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia, những thay đổi của xu thế nhà ở mới đã tác động mạnh mẽ đến kết cấu hạ tầng, giúp cho bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị ngày càng hiện đại, mỹ quan và nhiều tiện ích hơn.