Phương án phát triển các quận huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên và Gia Lâm:

Phát triển hiện đại cùng với bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực Gia Lâm - Long Biên nghiên cứu hình thành những khu thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi quy mô lớn để cạnh tranh với các trung tâm vui chơi nổi tiếng của thế giới. Khu vực Hoàng Mai - Thanh Trì phát triển công trình thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại...

Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng những đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội tại các quận huyện: Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên và Gia Lâm nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển các trung tâm thương mại hiện đại

Quang cảnh buổi hội thào
Quang cảnh buổi hội thào

Nêu định hướng phát triển tại các quận, huyện đại diện liên danh tư vấn đề xuất tại khu vực Gia Lâm - Long Biên nghiên cứu hình thành khu thương mại – dịch vụ - du lịch - vui chơi quy mô lớn để cạnh tranh với các trung tâm vui chơi nổi tiếng của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… với nhiều chủ đề, gắn với những lợi thế về văn hoá - lịch sử - thiên nhiên.

Khu vực Hoàng Mai - Thanh Trì phát triển các công trình thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại, trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, trung tâm tài chính, ngân hang, thương mại dịch vụ quốc tế. Tại khu vực này cũng xây dựng những mô hình kinh tế đêm phù hợp với giới trẻ, hiện đại, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Cụ thể đối với từng quận huyện, đơn vị tư vấn đề xuất, huyện Thanh Trì là điểm đến đối với người dân Thủ đô và các tỉnh trong vùng về dịch vụ y tế; Là nơi bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, làng nghề; Nơi có nền kinh tế đa dạng. Hoàn thành những tiêu chí còn thiếu để đưa huyện Thanh Trì lên quận trước năm 2025.

Quận Long Biên được định hướng là cực tăng trưởng quan trọng phía Đông Bắc của Thủ đô. Phát triển đô thị Long Biên – Gia Lâm trở thành vùng đô thị có môi trường bền vững; là khu vực phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ chất lượng cao, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp dọc Quốc lộ 5; trung tâm dịch vụ hỗ trợ công nghiệp vùng phía đông - vùng thủ đô Hà Nội (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương); trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Đông Bắc Hà Nội; Là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng chất lượng cao; trung tâm trung chuyển hàng hóa.

Huyện Gia Lâm sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp phía đông Hà Nội; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh của thành phố dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.

Quận Hoàng Mai sẽ khai thác có hiệu quả vị thế là quận tiếp giáp các quận nội thành, gần trung tâm y tế, giáo dục hàng đầu của cả nước; Hoàng Mai sẽ là khu vực phát triển năng động và tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển khu vực phía Nam của Thủ đô; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật với tổng thể chung của Thủ đô; chất lượng cuộc sống của Nhân dân được nâng cao.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo.

Cởi gỡ về thể chế để phát huy vùng đất bãi sông Hồng

Trong phần lớn thời gian buổi làm việc, lãnh đạo 4 quận, huyện đều nêu kiến nghị về định hướng phát triển được đơn vị tư vấn nêu ra, đồng thời, cung cấp thêm thông tin, đưa ra “đầu bài”, mong muốn các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu bổ sung trong đồ án quy hoạch.

Trong đó, bàn về định hướng phát triển du lịch trên địa bàn 4 quận, huyện, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của sản phẩm du lịch và trách nhiệm xây dựng các sản phẩm này thuộc về cấp quận, huyện. Qua kinh nghiệm của Long Biên, quận đã mời Sở Du lịch về làm việc, tư vấn xây dựng những sản phẩm du lịch hoàn hảo, chất lượng cao để đưa ra thị trường bởi nếu không sẽ phản tác dụng.

Thống nhất với hướng của đơn vị tư vấn về phát triển các lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu mối logistics, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí…, lãnh đạo quận Long Biên đề nghị cập nhật thêm về định hướng phát triển dịch vụ lưu trú chất lượng cao. Định hướng này đã được quận chủ động đề xuất từ năm 2019 và mong muốn sẽ được cập nhật, thể hiện trong các đồ án quy hoạch tới đây.

Để tạo nguồn lực phát triển cho 4 quận, huyện, có đặc điểm chung là cùng gắn với vùng đất bãi, Chủ tịch UBND quận Long Biên mong muốn được các cơ quan, bộ ngành cởi gỡ về mặt thể chế để tạo điều kiện phát huy nguồn tài nguyên vùng đất này bởi như hiện nay chỉ được xây dựng không qúa 5%. “Nếu không cởi gỡ được về mặt thể chế sẽ không có điều kiện đầu tư hạ tầng, phục vụ cho phát triển, mọi quy hoạch cho vùng đất bãi sẽ chỉ nằm trên giấy" - Chủ tịch UBND quận Long Biên nhấn mạnh.

Thông tin thêm về nội dung này, Phó Giám đốc Sở QH - KT Phạm Quốc Tuyến cho biết, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND. Theo đó, UBND các quận, huyện sẽ là cấp đơn vị triển khai tổ chức thực hiện. Phó Giám đốc Sở QH - KT lưu ý, việc xây dựng các công trình ngoài đất bãi được phép thực hiện nhưng phải lập dự án, tuân thủ đúng quy trình xin ý kiến, được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đánh giá cao các đơn vị tư vấn đã đồng hành, hỗ trợ cho TP trong thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô. “Khối lượng công việc lớn nhưng đang được các đơn vị vận hành nhịp nhàng, bài bản, đúng hướng. Chất lượng báo cáo của đơn vị tư vấn đưa ra bước đầu đã thể hiện rõ các nội dung của đề cương định hướng lập Quy hoạch Thủ đô” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nêu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kết luận hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kết luận hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo UBND các quận huyện cho thấy đã ý thức được Quy hoạch Thủ đô là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.

Lãnh đạo nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị tốt, đưa ra nhiều nội dung của chính mình, gợi ý ra những vấn đề từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện đưa vào báo cáo của đồ án Quy hoạch Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị các quận, huyện sau hội nghị tiếp tục bố trí buổi làm việc với đơn vị tư vấn, cùng đánh giá kỹ từng nội dung đã trao đổi mang tính tổng quan và trọng yếu để đề xuất phương án tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Cơ sở dữ liệu, số liệu và hiện trạng đóng vai trò quan trọng nên các quận huyện sẽ có trách nhiệm tập hợp, chuyển toàn bộ cho tư vấn.

Đơn vị tư vấn cần tiếp tục phối hợp chặt cùng các quận, huyện hoàn thiện phương án trên tinh thần không hạn chế về số lượng, đưa ra những dự báo và thảo luận sâu về từng nội dung, thể hiện yếu tố mới, đột phá, tầm nhìn dài hạn và khát vọng trong phát triển.