Sửa đổi Luật Thủ đô:

Phát triển khoa học công nghệ, cần giải pháp đặc thù, nổi trội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có giải pháp đặc thù, nổi trội.

Nhiều điểm mới thúc đẩy khoa học công nghệ Thủ đô

Với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Luật Thủ đô 2012; xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Thủ đô, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô thông qua việc tận dụng tiềm năng của khoa học công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước.

Phối cảnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Phối cảnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá, Dự thảo luật đã bổ sung, cập nhật, xem xét tính đồng bộ, tính phù hợp với các dự thảo luật sửa đổi về luật đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá. Đồng thời, Dự thảo cũng bảo đảm tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển đất nước nói chung và của Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. "Dự thảo Luật Thủ đô lần này có rất nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo" – đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, tại Dự thảo Luật đề xuất những giải pháp đặc thù, trước hết là đổi mới mạnh mẽ và đột phá trong cơ chế quản lý khoa học, áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ; quy định các trường hợp mua sắm thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu. Đồng thời, cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các cá nhân; tổ chức có đủ năng lực ứng dụng và phát triển kết quả, sản phẩm phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô (Điều 25 khoản 2, điểm a). Điều này sẽ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ của Thủ đô.

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đánh giá, điểm mới trong Dự thảo Luật là Thành phố quyết định hoặc uỷ quyền quyết định cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học, chủ nhiệm dự án khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công được chuyển giao không cần bồi hoàn đối với tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, Thành phố được quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù trong thu hút, sử dụng, phát huy tiềm lực, vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học giỏi. Dự thảo Luật Thủ đô dành riêng Điều 17 quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những ưu đãi vượt trội như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, điều kiện làm việc, phát triển năng lực...

“Để hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có được giải pháp chính sách mới, đột phá, nổi trội để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thành phố

Để chính quyền Thành phố Hà Nội có đủ thẩm quyền thực thi các chính sách, giải pháp đặc thù, nổi trội trên, Dự thảo Luật phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho HĐND, UBND Thành phố Hà Nội trong việc ban hành các văn bản pháp luật có tính đột phá (kể cả thử nghiệm có kiểm soát) về nội dung quản lý và trình tự, thủ tục thực hiện trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực đầu tư, quản lý nguồn nhân lực, sử dụng.

Góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung và khoán các gói sản phẩm trung gian của đề tài. Sửa đổi Khoản 4, Điều 25 theo hướng giao UBND Thành phố Hà Nội xây dựng một chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà thành phố cần gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của thành phố.

Cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, trong Điều 25 nên bổ sung quy định Thành phố ưu tiên hỗ trợ, miễn thuế thu nhập, miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ thương mại các công nghệ nghiên cứu từ trường đại học; Quỹ đầu tư ươm tạo và khởi nghiệp sáng tạo của thành phố hỗ trợ kinh phí để hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin off trong trường đại học; hỗ trợ kinh phí hình thành các hợp tác xã trong trường học…

Ngoài ra, Luật Thủ đô sửa đổi cũng nên ban hành điều khoản hoặc chế tài để xử lý vi phạm bản quyền công nghệ, vi phạm giá trị thương hiệu sản phẩm, sự không minh bạch, không trung thực trong hoạt động khoa học công nghệ và chuyển giao trên địa bàn Hà Nội…