Phát triển kinh tế bắt đầu từ nguyên tố đầu vào

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của các đại biểu, chuyên gia kinh tế với việc nền kinh tế phát triển theo 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là tăng trưởng dựa trên tăng các nguyên tố đầu vào.

Quan điểm này được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 16/3. Đồng thời, công bố ấn phẩm thường niên của Trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển”.
  Ban Tổ chức trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Khắc Kiên
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ xuyên suốt cả giai đoạn 2016-2020 và xây dựng nhà nước kiến tạo chính là khâu đột phá để thực hiện. Năm qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và coi xây dựng Nhà nước kiến tạo là tuyên ngôn hành động của Chính phủ.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2016 đã không đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra và thấp hơn nhiều so với 2015, nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo mất an toàn và báo hiệu những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng. Về triển vọng 2017, dự báo hai phương án tăng trưởng với mức 6,0% và 6,6%. Trong đó, việc thực hiện các mục tiêu đặt ra phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm và những tính toán khoa học, thực hiện những bước đột phá trong hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ, đến các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội.
Theo báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2016 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, những thành quả của tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua còn hạn chế, chưa tạo điều kiện để có một mô hình tăng trưởng tốt. Đặc trưng mô hình tăng trưởng vẫn mang nặng màu sắc tăng trưởng dựa vào vốn, gia công và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực Nhà nước chưa đóng được vai trò dẫn dắt trong khi khu vực tư nhân chưa đủ sức vươn lên.
Chính vì thế, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, phân tích về tái cơ cấu cần phải tính đến chủ thuyết tôi thấy rất hay mà Diễn đàn kinh tế thế giới đã phân loại. Nền kinh tế phát triển theo 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là tăng trưởng dựa trên tăng các nguyên tố đầu vào, chúng ta đang bắt đầu về vấn đề này.
Theo cách phân loại này thì Việt Nam đang chuyển đổi trong chừng mực nào đó từ việc tăng các nhân tố đầu vào như vốn, lao động sang tăng dần hiệu quả của các yếu tố. Vấn đề xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển đã đạt được những thành công bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế Nhà nước.
Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, phát huy dân chủ trong xã hội để đưa Nhà nước đến gần dân hơn. Hiệu quả của những đổi mới đã được ghi nhận ở cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế có năng lực thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy sự tham gia của cả cộng đồng.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến, vừa rồi chúng ta mới nhấn mạnh đến Chính phủ kiến tạo. Điều đó là rất tốt nhưng nếu chỉ có Chính phủ làm thì quan điểm của tôi là không thể được mà toàn bộ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Lúc đó, chúng ta mới có Nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa, bởi chỉ hành chính kiến tạo không thì mới chỉ được một phần.