Phát triển kinh tế từ sinh vật cảnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm xây dựng và phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, trong 3 năm 2008 - 2011, Hội Sinh vật cảnh TP Hà Nội đã xây dựng thành công hàng ngàn mô hình kinh tế từ sinh vật cảnh ở cả khu vực nội thành và ngoại thành T

Tại Hội nghị về phát triển kinh tế sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, phong trào trồng, phát triển, thưởng ngoạn và thu lợi từ các vườn sinh vật cảnh ở nhiều quận, huyện của Thủ đô đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng, từ các vườn cây mini đến các trang trại sinh thái sinh vật cảnh tầm cỡ.

Nhiều vườn sinh vật cảnh đã được chủ vườn tổ chức liên kết dưới hình thức hội nghề nghiệp, công ty, hợp tác xã, nhóm... để sản xuất, trưng bày và thực hiện kết hợp nhiều dịch vụ du lịch, đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Tại các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Phú Xuyên có hàng trăm vườn sinh vật cảnh với nhiều  chủng loại cây, dáng, thế khác nhau; trị giá mỗi vườn đạt 2 -  5 tỷ đồng. Thị xã Sơn Tây có tới trên 39 vườn cảnh có giá trị từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi vườn và hàng trăm vườn trị giá trên 50 triệu đồng. Riêng khu trang trại vườn - ao - chuồng kết hợp trồng, giới thiệu sinh vật cảnh của Anh hùng lao động Nguyễn Đắc Hải ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên mỗi năm đạt tổng doanh thu 2 - 4 tỷ đồng.

Tại các quận, huyện ven đô như Long Biên, Hà Đông, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các khu ruộng cho giá trị kinh tế thấp sang trồng, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh như lan, sanh, si, đa, đề, gỗ lũa... đạt doanh thu mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ở các quận nội thành cũng đã hình thành nhiều mô hình sinh vật cảnh nhỏ song lại có giá trị nghệ thuật rất lớn, góp phần bảo tồn nhiều giống cây quý và đảm bảo môi trường sinh thái trong lành cho khu vực nội đô thành phố.

Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội phối hợp với các sở, ngành chức năng sẽ tập trung quy hoạch vùng cho sản xuất sinh vật cảnh; Tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đào tạo lao động chuyên ngành sinh vật cảnh cùng với lồng ghép các chương trình khuyến nông để giúp các hội viên nâng cao tay nghề, kiến thức, tiếp tục phát triển mạnh nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo  hướng đô thị sinh thái, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu  quả và khả năng cạnh tranh cao, hài hoà và bền vững với môi trường.